Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP

Sản phẩm khóm Đồng Din được giới thiệu tại một ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: THÚY HẰNG

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP là đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào quy trình sản xuất, chế biến. Nhiệm vụ này đã và đang được các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ngành KH-CN quan tâm triển khai tới các doanh nghiệp, chủ cơ sở, người dân tham gia chương trình.

Từ những sản phẩm OCOP đầu tiên

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thực hiện với mục đích phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Qua đó giúp các xã định hướng xây dựng các mô hình sản xuất các sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường đầu ra bền vững nhằm tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Trong 64 sản phẩm gửi hồ sơ về Hội đồng OCOP cấp tỉnh đề nghị thẩm định, Phú Yên đã có 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là những sản phẩm đầu tiên được cấp sao thuộc chương trình OCOP đến năm 2020. Các sản phẩm gồm: Dầu đậu phộng Xuân Phước, gạo thơm Hoa vàng An Nghiệp; rượu tằm Hòa Phong; tiêu đen của Công ty CP Vinacafe Sơn Thành (huyện Tây Hòa); trà diệp hạ châu của Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại Hồng Đài Việt; nước mắm Tân Lập; các sản phẩm cam V2 - cam sành - bưởi da xanh của hộ kinh doanh Võ Minh Tuấn (huyện Sông Hinh).

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp cho biết, dù sản phẩm gạo Hoa vàng có chất lượng tốt nhưng ban đầu sản xuất, sản phẩm còn rất thô, trấu còn lẫn nhiều trong gạo và việc đóng gói bao bì rất sơ sài. Khi tham gia chương trình OCOP, gạo được gửi vào trưng bày và bán tại Trung tâm Kết nối cung - cầu công nghệ. Tại đây, các nhân viên trung tâm đã xử lý thêm một bước để hạt gạo sạch, việc đóng gói cũng được tiến hành bài bản hơn. Nhờ sự tư vấn của trung tâm, đến nay, sản phẩm gạo Hoa vàng đã được hoàn thiện thêm. Ngoài ra, sản phẩm cũng được đóng bao bì bắt mắt, in đầy đủ tem, thời gian, nơi sản xuất và hạn sử dụng… nên được nhiều người tin dùng.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, nhìn chung công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được thực hiện khách quan, minh bạch, công khai đảm bảo đúng quy trình hướng dẫn của Trung ương. Các sản phẩm đạt OCOP có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi được phân hạng, các sản phẩm OCOP vẫn sẽ được tổ chức kiểm tra định kỳ. Nếu vi phạm các tiêu chuẩn xếp loại sẽ bị xử lý theo quy định.

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp giới thiệu sản phẩm gạo Hoa vàng. Ảnh: THÁI HÀ

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp giới thiệu sản phẩm gạo Hoa vàng. Ảnh: THÁI HÀ

Đưa KH-CN vào sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP được UBND tỉnh triển khai năm 2018 và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị; trong đó, ngành KH-CN thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong phát triển sản xuất sản phẩm, tiêu chuẩn hóa, đăng ký công bố chất lượng các sản phẩm OCOP.

Thời gian qua, ngành KH-CN đã ưu tiên đề xuất nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH-CN trong khai thác và phát triển các nguồn gen đặc hữu, công tác chọn tạo giống trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như: cây lúa, sắn, tôm hùm, tôm thẻ, cá chình, bò vàng; đồng thời hoàn thiện kỹ thuật canh tác trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến sản phẩm. Ngành KH-CN cũng chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm như: Cá ngừ đại dương Phú Yên, nước mắm Phú Yên, muối Tuyết Diêm, rượu Quán Đế, bánh tráng Hòa Đa, bò một nắng Phú Yên, sò huyết Ô Loan, khóm Đồng Din, tiêu Sơn Thành… Qua đó góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu các sản phẩm này ra thị trường ngoài tỉnh.

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, để đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong phát triển các sản phẩm OCOP và phát huy vai trò KH-CN tham gia thực hiện chương trình OCOP, Sở KH-CN đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu cải tiến và ứng dụng tiến bộ KH-CN để tư vấn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP tại địa phương; tập trung triển khai các đề tài, dự án chế biến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao; phục tráng và phát triển các nguồn gen đặc hữu của địa phương thành sản phẩm đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở KH-CN sẽ hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xác lập quyền sở hữu công nghiệp và đăng ký xác lập bảo hộ tài sản trí tuệ liên quan đến sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý…

Để đạt được mục tiêu của chương trình OCOP, thời gian tới, không chỉ cần sự cố gắng của người nông dân mà còn rất cần sự chung tay của toàn xã hội, thực hiện tốt liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước để tạo sức bật, giúp sản phẩm đạt chuẩn OCOP vươn xa.

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/253843/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-phat-trien-san-pham-ocop.html