Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở Sông Lô

PTĐT - Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, xã Sông Lô, TP Việt Trì đã chủ động triển khai công tác quy hoạch về sản xuất nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT)...

Gia đình chị Nguyễn Thanh Hòa ở khu 2 tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất, đầu tư nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình chị Nguyễn Thanh Hòa ở khu 2 tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất, đầu tư nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao.

PTĐT - Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, xã Sông Lô, TP Việt Trì đã chủ động triển khai công tác quy hoạch về sản xuất nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chuyên canh tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho nông hộ.Ông Bùi Mạnh Quảng- Chủ tịch UBND xã cho biết: Một trong những giải pháp được xã Sông Lô thực hiện hiệu quả là khuyến khích các HTX, nông dân tích cực tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng KHKT, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Hàng năm, xã tổ chức các hoạt động phổ biến KHKT, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp để nhân rộng... Đến nay, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác của xã đạt trên 140 triệu đồng/ha.Nhằm ứng dụng đồng bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, xã đã triển khai nhiều mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của bà con nông dân; tập trung xây dựng mô hình sản xuất chuyên canh, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm.Trong trồng trọt, xã mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, khuyến khích sản xuất liền vùng, cùng trà, cùng giống, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tăng diện tích trà xuân muộn trên 75% và trà mùa sớm trên 60% tổng diện tích gieo cấy. Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, từ khi tham gia mô hình gieo mạ bằng phương pháp che phủ nilon, thâm canh lúa cải tiến SRI, áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, không sử dụng thuốc trừ cỏ trên đồng ruộng, sử dụng kỹ thuật phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái… đã cho năng suất lúa bình quân hàng năm tăng, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều công lao động. Hiện nay, xã đang xây dựng, phát triển vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao trên 60ha.Cùng với phát triển cây lúa chất lượng cao, xã chuyển đổi những diện tích trồng màu không hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao; dần hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa như trồng thâm canh một số giống dưa thơm, dưa lưới trong nhà màng có ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt với diện tích 2,5ha, trồng chuối Tây Thái Lan diện tích trên 50ha, trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh diện tích 5ha; trồng măng tây trên đất bãi 1,3ha; mô hình sản xuất rau, quả an toàn trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP kết hợp với trồng hoa chất lượng cao sử dụng hệ thống nhà kính tại trang trại sinh thái Sông Lô... Các mô hình đã mang lại hiệu quả, giúp người lao động có thêm thu nhập.Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất ven sông, gia đình chị Nguyễn Thanh Hòa ở khu 2 đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế tổng hợp cho hiệu quả cao. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, tham quan các mô hình kinh tế ở nhiều địa phương khác, chị đã mạnh dạn đầu tư mô hình nhà màng trồng dưa lưới. Chị cho biết, hệ thống nhà màng có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập cùng với kết hợp canh tác theo hướng hữu cơ, đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước bằng hình thức nhỏ giọt để chủ động chế độ dinh dưỡng, giúp tăng năng suất và chất lượng quả. Với quy trình sản xuất an toàn, sản phẩm của gia đình sản xuất ra tới đâu được thương lái đến mua hết tới đó, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trên địa bàn xã đã hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, hạn chế nuôi thả rông; ứng dụng triệt để khoa học công nghệ để tạo nguồn giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt; đồng thời thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện toàn xã có tổng đàn trâu bò trên 500 con, đàn lợn trên 1.100 con, đàn gia cầm 7.500 con và gần 40ha nuôi trồng thủy sản. Được biết, ở xã đã xây dựng được mô hình nuôi bồ câu Pháp do gia đình anh Vũ Văn Tú ở khu 1 đầu tư với số vốn ban đầu trên 2 tỷ đồng. Nay mô hình đã phát triển trên 2.000 đôi bồ câu bố mẹ, mỗi tháng cung cấp ra thị trường trên 1.400 bồ câu thịt, trừ chi phí mỗi năm cho thu lãi khoảng 500 triệu đồng.Trong thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, xã Sông Lô tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm...; tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông nhằm hỗ trợ nông dân trong việc chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202011/ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-trong-san-xuat-nong-nghiep-o-song-lo-174185