Ứng dụng khoa học lựa chọn bộ giống lúa chủ lực chất lượng cao

Giống cây trồng là khâu cơ bản và quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Sử dụng giống lúa tốt là biện pháp tăng năng suất cây trồng ít tốn kém nhất, là cơ sở hàng đầu để tăng năng suất lao động. Hơn nữa, ngày nay khi đời sống được nâng cao thì người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng gạo. Vì vậy, việc sản xuất lúa gạo trên địa bàn phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Công tác chọn tạo giống lúa vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng tốt là ưu tiên hàng đầu.

 Sản xuất lúa thâm canh ở Triệu Phong. Ảnh: VTH

Sản xuất lúa thâm canh ở Triệu Phong. Ảnh: VTH

Thực tế cho thấy với bất kì giống cây trồng nào thì mỗi giống chỉ phát huy ưu điểm trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ bộc lộ những hạn chế về sâu bệnh gây hại ảnh hưởng tới năng suất. Thời tiết khí hậu thay đổi thất thường, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, vì vậy để bố trí thời vụ trong điều kiện tự nhiên một cách hợp lí thì phải sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng tốt. Do đó, bộ giống chủ lực vơi dần do giảm các giống dài ngày, giống trung và ngắn ngày đang ngày càng thoái hóa.

Lựa chọn các giống ngắn ngày, ít sâu bệnh, khả năng chống chịu tốt với điều kiện tự nhiên, có chất lượng cao, thị trường tiêu thụ tốt giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt trong điều kiện toàn ngành đang thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất. Đối với Quảng Trị do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên việc lựa chọn bộ giống lúa thích hợp cho sản xuất có hiệu quả cao là hết sức quan trọng.

Hiện toàn tỉnh có diện tích trồng lúa cả năm gần 50.000 ha. Tuy nhiên, năng suất lúa của tỉnh thấp hơn so với trung bình cả nước, trong 5 năm qua bình quân chỉ đạt 50- 51 tạ/ ha, trong khi đó năng suất lúa trung bình cả nước là 58,7 tạ/ha. Do vậy, việc nâng cao năng suất, chất lượng lúa trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Bước đột phá để nâng cao năng suất và chất lượng lúa đó là khâu giống. Để góp phần nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa thông qua việc sử dụng các giống lúa mới và chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất lúa, khuyến cáo người dân mở rộng cơ cấu giống lúa ngắn ngày và cực ngắn trong cả hai vụ sản xuất để hạn chế thấp nhất các tác động của biến đổi khí hậu gây ra; Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu khảo nghiệm tập đoàn lúa thuần mới, ngắn ngày, chất lượng cao và phục tráng giống HC95”.

Công tác khảo nghiệm giống lúa mới là nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành từ trước tới nay nhưng chưa được nhiều. Từ năm 1995, tỉnh đã đưa vào khảo nghiệm một số giống lúa như Khang Dân 18, P6, HT1, HC95, Xi23, NX30... Đến nay, các giống này vẫn còn tồn tại, tuy nhiên, qua quá trình canh tác lâu năm, các giống lúa đã nhiễm nhiều đối tượng sâu bệnh hại. Năm 2012, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu khảo nghiệm tập đoàn giống lúa thuần mới MT18CS, AIQ7 , RVT, Hoa ưu109, Bồ đề 688X1, Bồ đề 688X2, VS1, Trân châu hương... bổ sung vào cơ cấu bộ giống chủ lực của tỉnh và đã chọn ra 2 giống Bồ đề 688X2, RVT.

So với yêu cầu đặt ra, nhất là hiện nay, biến đổi khí hậu diễn ra khắc nghiệt thì những giống hiện tại vẫn chưa đáp ứng được. Công tác giống yêu cầu phải khảo nghiệm bổ sung một số giống mới có nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu của tỉnh, kháng sâu bệnh, năng suất ổn định và chất lượng gạo ngon nhằm thay dần các giống cũ, nhiễm sâu bệnh, thoái hóa. Do vậy, mục đích của đề tài là tập trung khảo nghiệm tìm ra những giống lúa thuần mới ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái và tập quán canh tác tại địa phương, có khả năng kháng sâu bệnh chủ yếu để thay thế một số giống đã thoái hóa nhằm bổ sung vào cơ cấu bộ giống chủ lực của tỉnh. Đề tài thực hiện khảo nghiệm liên tiếp 3 vụ từ vụ hè thu 2018, đông xuân 2018- 2019 và hè thu 2019. Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi đã lựa chọn 7 giống lúa có triển vọng được các cơ quan, viện nghiên cứu chọn tạo, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống mới và được khuyến cáo thích nghi với vùng khí hậu Bắc Trung Bộ để thực hiện khảo nghiệm sản xuất trên diện tích rộng, gồm những giống N26, LTH31, ĐT100, TL12, BQ, TBR279, BDR07 và giống làm đối chứng là giống lúa HT1 có năng suất khá, chất lượng gạo tốt.

Đây là những giống lúa này ngắn ngày, vụ đông xuân gieo sạ 110-120 ngày, vụ hè thu gieo sạ 85- 95 ngày. Hai huyện được lựa chọn khảo nghiệm là Triệu Phong và Gio Linh, mỗi huyện chọn một địa điểm có tính chất đất đai, tiểu vùng khí hậu đại diện cho toàn huyện, chủ động tưới tiêu, dễ thâm canh, dễ cơ giới hóa, bố trí thí nghiệm đảm bảo liền vùng liền thửa, gần đường giao thông, thuận lợi cho công tác chăm sóc, thu hoạch, theo dõi, chỉ đạo, giám sát, các giống lúa đưa vào khảo nghiệm cho năng suất cao, chất lượng tốt và ổn định; có khả năng chống chịu được các điều kiện ngoại cảnh bất lợi, kháng một số sâu bệnh chính trong vùng. Đề tài tập trung nghiên cứu các chỉ tiêu của các giống lúa đem vào khảo nghiệm như sinh trưởng, phát triển; năng suất lí thuyết, năng suất thực thu; sâu bệnh, khả năng chống chịu; chất lượng thóc gạo, chất lượng cơm.

Thực tế qua 3 vụ sản xuất khảo nghiệm cho thấy các giống lúa cho năng suất bình quân từ 60- 80 tạ/ha tùy giống, trong khi đó giống lúa đối chứng HT1 đã sản xuất trên đồng ruộng Quảng Trị từ năm 2000 chỉ cho năng suất bình quân đạt 50- 55 tạ/ha. Tuy nhiên, dựa vào khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết, sâu bệnh và sự phù hợp với đất đai, khí hậu, qua các cuộc hội thảo đầu bờ, hội thảo khoa học, đơn vị thực hiện đề tài đã đề xuất chọn giống N26, ĐT100 và BQ để bổ sung vào bộ giống lúa chủ lực của tỉnh. Ông Hoàng Minh, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Đơn vị đã thực hiện rất kĩ các biện pháp kĩ thuật để khảo nghiệm các giống lúa mới. Qua kết quả 3 vụ khảo nghiệm liên tiếp cho thấy các giống được đề xuất lựa chọn bổ sung vào bộ giống chủ lực của tỉnh có nhiều đặc tính vượt trội, khả năng chống chịu cao, thích hợp trên nhiều chân đất, phù hợp với tập quán canh tác của nông dân, cho năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng tốt, gạo ngon, dẻo”.

Việc khảo nghiệm giống lúa mới để lựa chọn giống tốt bổ sung vào bộ giống của tỉnh là việc làm thường xuyên, liên tục của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả xuất sắc. Đây là hoạt động mang tính ứng dụng khoa học cao nhằm đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt chất lượng ngày càng tốt hơn.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145925