Ứng dụng khoa học, nâng cao giá trị cây lúa

Tuy không phải cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng việc duy trì đất trồng lúa cũng như phát triển kinh tế từ cây lúa đã được nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh lựa chọn để vừa chủ động nguồn lương thực, phục vụ chăn nuôi vừa tiếp nối nghề truyền thống của cha ông. Với tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, người trồng lúa ở Bình Phước đã đưa máy móc vào sản xuất. Cùng với đó, Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng, đưa các giống lúa chất lượng vào sản xuất, góp phần giúp nông dân gắn bó, ổn định với ruộng đồng.

Gắn bó với ruộng đồng

Tại cánh đồng lúa thôn 5, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, nông dân đã xuống giống vụ đông xuân. Những ngày này, không khí tăng gia sản xuất ở đây khá nhộn nhịp.

Theo người dân địa phương, dù trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, biến động về giá cả và thu nhập từ cây lúa thấp hơn các loại cây trồng khác nhưng họ vẫn gắn bó với đồng ruộng theo kiểu cha truyền con nối. Mùa này sang mùa khác và những ruộng lúa trải dài, duy trì đến hôm nay.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, sản lượng, giúp nông dân gắn bó với cây lúa - Ảnh: Trương Hiện

Anh Trần Thanh Tân ở thôn 5, xã Thiện Hưng cho biết, những nông dân trồng lúa ở đây đã gắn bó với nghề qua nhiều thế hệ. Nông thôn ngày càng đổi mới cũng giúp chất lượng, năng suất canh tác lúa nước tăng lên đáng kể. “Chúng tôi gắn bó với cây lúa vì truyền thống ông cha để lại và thấy cũng dễ sống. Dù vất vả, thu nhập không bằng những cây trồng khác nhưng dễ làm và gia đình tôi duy trì nghề trồng lúa hơn 30 năm nay” - anh Tân chia sẻ.

Xã Thiện Hưng có hơn 100 ha đất trồng lúa, bên cạnh hệ thống kênh mương dẫn nước được Nhà nước nâng cấp giúp việc sản xuất thêm thuận lợi, Hội Nông dân xã cũng phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân về khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất. Anh Phạm Đình Thoại, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Hưng cho biết: “Hội Nông dân xã thường xuyên tuyên truyền bà con chú trọng trồng cây nông nghiệp để lấy ngắn nuôi dài. Ngoài tận dụng nguồn đất mình có, việc trồng lúa hoặc các loại cây trồng phù hợp sẽ giúp bà con có thu nhập ổn định. Song song đó, việc phối hợp hỗ trợ bà con kỹ thuật trồng lúa cũng được địa phương quan tâm thực hiện”.

Liên kết sản xuất

Cây lúa, hạt gạo cũng là hơi thở cuộc sống, là lựa chọn của các thành viên khi thành lập Hợp tác xã (HTX) Gạo ruộng Sóc Nê, huyện Bù Đốp. Gắn bó với người nông dân nên các thành viên HTX hiểu rằng điều mà những người quanh năm “chân lấm, tay bùn” này trăn trở nhất là sau mỗi vụ thu hoạch, họ vẫn chưa thể tìm được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Do đó, đằng sau niềm vui được mùa vẫn canh cánh nỗi lo.

Ruộng đất là tư liệu sản xuất không thể thiếu của nông dân, dẫu vất vả, nhưng có lẽ nông dân là người người thực sự tâm huyết với đất đai, ruộng vườn. Trong ảnh: người trồng lúa ở huyện Lộc Ninh thăm ruộng lúa - hình: Trương Hiện

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, ngành nông nghiệp huyện thường xuyên hướng dẫn bà con nông dân tập trung tăng năng suất, sản lượng cây lúa và áp dụng những giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Bên cạnh các cây công nghiệp, lúa cũng là một trong những cây trồng gắn với việc chế biến, cung ứng gạo cho huyện và các địa phương lân cận. Vì vậy, hiện người trồng lúa cũng đã chủ động áp dụng các biện pháp tiến bộ trong canh tác nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Ông TRẦN VĂN THÀNH, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp

Giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, lợi nhuận kinh tế là mục tiêu HTX gạo ruộng Sóc Nê hướng đến. Với việc thu mua lúa ngay tại địa phương, HTX này đang góp phần tiêu thụ sản phẩm cây lúa của nông dân, vì vậy mối liên kết giữa người trồng, người tiêu thụ ngày càng nâng cao. Anh Vũ Văn Chế, HTX gạo ruộng Sóc Nê cho biết: HTX hướng đến 2 mục tiêu, đó là: Gạo đưa ra thị trường là gạo ruộng nguyên chất, không có chất bảo quản, không có chất tạo màu, tạo mùi. HTX cũng muốn liên kết với người dân để tạo ra sản phẩm gạo sạch, an toàn đặc trưng. Về mục tiêu lâu dài, HTX muốn tạo ra một vùng lúa an toàn về cả diện tích lẫn sản lượng.

Huyện Bù Đốp có khoảng 2.100 ha lúa. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, 1 năm vùng đất này có khoảng 30% diện tích trồng được 3 vụ lúa, số còn lại trồng 2 vụ. Mùa nối mùa, vụ nối vụ, công việc đồng áng của người dân đang có những đổi mới theo xu hướng phát triển chung của đời sống xã hội khi họ đã bắt tay làm sản phẩm hàng hóa, cung ứng cho thị trường. Những năm gần đây, kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác của nông dân không ngừng được nâng lên, đã dần rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, sản lượng lúa.

Với khoảng 10 ngàn ha đất trồng lúa, nông dân Bình Phước vẫn đang hằng ngày hăng say lao động để làm ra sản phẩm lúa gạo. Do đó, ngoài nỗ lực áp dụng các biện pháp giảm chi phí sản xuất, điều mà nông dân mong muốn là cơ quan chuyên môn điều tiết thị trường, quan tâm tính hiệu quả hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng để phát triển ổn định, bền vững.

Anh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/139146/ung-dung-khoa-hoc-nang-cao-gia-tri-cay-lua