Ứng dụng khoa học trong sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên sản xuất các giống lan bằng công nghệ nuôi cấy mô. Ảnh: THÁI HÀ

Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, các địa phương và người nông dân cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Thời tiết diễn biến cực đoan

Những năm gần đây, BĐKH và thiên tai cực đoan ngày càng tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Năm 2021, trên địa bàn các huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn vì mùa khô kéo dài dẫn đến thiếu nước tưới.

Ông Đặng Đức Vàng (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) là người có nhiều năm làm nông nghiệp và không ngại thử sức với các loại cây trồng mới. Thế nhưng, tình hình thời tiết cực đoan ảnh hưởng lớn đến sản xuất khiến ông không khỏi than thở. “Năm 2021, nắng nóng kéo dài làm nhiều diện tích mía giảm năng suất, kèm theo đó là giá phân bón, nhân công tăng mạnh nên lợi nhuận của người dân không bao nhiêu. Không dám canh tác trên các vùng thiếu nước tưới, tôi đã trồng 1ha dừa khu vực ven sông. Nhưng cũng trong năm 2021, thủy điện xả lũ gây ngập lụt nên một số cây bị tróc gốc, trôi về xuôi; số còn lại bị cát ngập qua ngọn nên thúi đọt rồi chết. Bên cạnh đó, 500 gốc cam 4-5 năm tuổi, thiếu nước tưới nên năng suất không ra sao”, ông Vàng cho biết.

Theo TS Hồ Huy Cường, trên địa bàn Phú Yên, tuy lượng mưa trong năm không thay đổi nhiều nhưng phân bố không đều giữa các tháng trong năm, lượng mưa chủ yếu tập trung trong mùa mưa (từ tháng 10-12 hàng năm). Chính vì vậy, tần suất xuất hiện lũ trong năm tăng lên. Số ngày nắng nóng trong mùa khô kéo dài hơn so với quy luật chung và nhiệt độ trung bình năm hoặc tháng cũng tăng cao so với trung bình chung, nên nguy cơ hạn hán thường xuyên xảy ra hơn.

Mạnh dạn chuyển đổi

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực khá mẫn cảm với BĐKH. Để chủ động thích ứng với những diễn biến phức tạp của thời tiết, Phú Yên đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu KH-CN vào nông nghiệp.

Theo TS Hồ Huy Cường, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh BĐKH như đã nêu trên, nhưng sản xuất nông nghiệp Phú Yên đã và đang có nhiều thuận lợi để phát triển. Cụ thể, vị trí địa lý và hạ tầng giao thông của tỉnh thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp. Địa hình đất đai ở Phú Yên khá tập trung. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu chi phí đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và thuận lợi trong việc đồng bộ hóa trong canh tác.

Trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên cùng Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ là các đầu mối thực hiện công tác nghiên cứu, phát triển KH-CN và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, các quy trình kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất. Hiện hai trung tâm đang hoàn thiện và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm; đẩy mạnh nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu, cây gỗ quý. Đây cũng là hai đơn vị tiên phong ứng dụng IoT, nhà màng vào trồng rau, dưa lưới, sung magic… nên người dân khi có nhu cầu về giống cây trồng hoặc quy trình kỹ thuật canh tác hiện đại có thể trực tiếp liên hệ để được hướng dẫn.

Ngoài các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao trên địa bàn tỉnh, TS Hồ Huy Cường còn giới thiệu các giống cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương như: các giống lúa thuần ANS1, BĐR27, BĐR999, BĐR79, BĐR17; các giống đậu phộng LDH.01, LDH.09. Cũng theo TS Hồ Huy Cường, ngành Nông nghiệp Phú Yên nên mạnh dạn áp dụng các quy trình kỹ thuật phục vụ chuyển đổi canh tác 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa đông xuân và 1 vụ màu (đậu phộng, mè và bắp sinh khối) hè thu. Kết quả thực hiện 3 loại mô hình chuyển đổi ở Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam trong hai năm 2020 và 2021 cho thấy hiệu quả, cây trồng phát triển tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh hại, lợi nhuận cao hơn canh tác lúa từ 7-18 triệu đồng/ha. Mô hình phù hợp với chân ruộng cao có nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ hè thu, giúp bà con nông dân chọn cây trồng phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác...

Để ứng phó với BĐKH, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững; các mô hình ứng dụng tiến bộ về phòng trừ sâu bệnh và canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ, sinh học; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ. Trong đó chú trọng phát triển và chọn tạo các giống cây trồng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt, bảo tồn các giống cây trồng địa phương…

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/271407/ung-dung-khoa-hoc-trong-san-xuat-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau.html