Ứng dụng khoa học và công nghệ: Khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn (Bài 1) - Tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: 'T húc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững'.

Việc triển khai Đề tài “Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nước mắm truyền thống tại Thanh Hóa” tại Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) đang mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: P.V

Việc triển khai Đề tài “Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nước mắm truyền thống tại Thanh Hóa” tại Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) đang mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: P.V

Từ yêu cầu thực tiễn...

Trên tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định một trong ba khâu đột phá về KH&CN là “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2025”. Để thực hiện tốt khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN, tỉnh Thanh Hóa đã xác định rõ những vấn đề kinh tế - xã hội trọng tâm cần ưu tiên phát triển, từ đó đặt ra yêu cầu cụ thể đối với KH&CN. Đồng thời, tìm kiếm các tổ chức nghiên cứu, phát triển và nhà khoa học đảm nhiệm nhiệm vụ KH&CN, để làm ra sản phẩm KH&CN chất lượng và ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào đời sống.

Bám sát vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hằng năm, Sở KH&CN đã xây dựng dự thảo, xin ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương về nhu cầu để nghiên cứu xây dựng định hướng ưu tiên trong việc đề xuất đặt nhiệm vụ KH&CN sát với thực tiễn. Đồng thời, thông báo rộng rãi, công khai cho các tổ chức, cá nhân để nghiên cứu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN. Xác định KH&CN phải từ sản xuất mà ra, giải quyết các khó khăn, bất cập, mở đường trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và thực tiễn phát sinh, do đó, Sở KH&CN đã chủ động phối hợp với Liên hiệp các Hội Koa học và Kỹ thuật (KH&KT) Thanh Hóa và các trường đại học, các viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh, tổ chức các cuộc khảo sát, các hội thảo khoa học và ký kết hợp tác phát triển KH&CN giữa Sở KH&CN, Liên hiệp các Hội KH&KT Thanh Hóa với UBND một số huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Bá Thước, Thạch Thành. Từ đó, xác định các nhiệm vụ KH&CN theo hướng ứng dụng, tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, cấp thiết tại địa phương.

Cùng với đó, Sở KH&CN đã tham mưu cho Hội đồng KH&CN tỉnh tăng tỷ lệ “tuyển chọn” để chọn đơn vị có năng lực, thay vì “giao trực tiếp” cho đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời, nghiêm túc tổ chức đánh giá năng lực để lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Trong quá trình đánh giá thuyết minh nhiệm vụ KH&CN, đối với những nhiệm vụ có tính chuyên sâu, Sở KH&CN đã chủ động mời giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành làm chủ tịch hội đồng tư vấn chuyên ngành, nhằm nâng cao tính chuyên môn và phù hợp yêu cầu thực tiễn, tính trách nhiệm của sở, ngành trong việc triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương...

Đại diện Ban Tổ chức trao giấy chứng nhận cho các tác giả, nhóm tác giả có công trình đạt Giải thưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ hai năm 2023.

Đại diện Ban Tổ chức trao giấy chứng nhận cho các tác giả, nhóm tác giả có công trình đạt Giải thưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ hai năm 2023.

Kết quả, giai đoạn 2020-2023, ngoài các nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ trước năm 2020, trên cơ sở 531 phiếu đề xuất nhiệm vụ KH&CN của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Sở KH&CN đã tham mưu cho Hội đồng KH&CN tỉnh lựa chọn, trình và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục 179 nhiệm vụ KH&CN. Trong đó có 123 nhiệm vụ giao trực tiếp đối với những nhiệm vụ có tính chất đặc thù và 56 nhiệm vụ thực hiện theo phương thức tuyển chọn, bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, hiệu quả, với những đơn vị có đủ năng lực để chủ trì thực hiện.

... đến việc ứng dụng

Do làm tốt công tác đánh giá, tuyển chọn, nên nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN thuộc nhiều lĩnh vực đã và đang được ứng dụng, đem lại hiệu quả tích cực đối với kinh tế - xã hội. Điển hình như Đề tài “Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nước mắm truyền thống tại Thanh Hóa”, do Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, chủ trì. Đề tài được thực hiện từ tháng 7/2019 đến hết tháng 12/2021, với tổng kinh phí trên 9,6 tỷ đồng.

Đến nay, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, đã và đang mang lại nhiều kết quả rất tích cực. Đó là rút ngắn thời gian chế biến nước mắm còn khoảng 9 tháng (thay vì phương pháp sản xuất truyền thống thường kéo dài từ 15 - 18 tháng). Đồng thời, tiết kiệm diện tích sản xuất; giảm gần 90% công khuấy đảo và phơi nắng; sản lượng và chất lượng sản phẩm tăng cao hơn (lượng nước mắm cốt thu được nhiều hơn 30% so với phương pháp truyền thống; nước mắm có độ đạm cao hơn 3% so với sản phẩm có cùng nguyên liệu đầu vào). Hiệu quả kinh tế tăng xấp xỉ 1,3 lần so với kỹ thuật sản xuất nước mắm truyền thống...

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Để khắc phục những hạn chế trong quy trình sản xuất nước mắm truyền thống, thì việc mạnh dạn ứng dụng KH&CN vào sản xuất được xem là giải pháp tối ưu. Trong đó, ứng dụng năng lượng mặt trời thay vì phơi nắng trực tiếp và ứng dụng hệ thống náo đảo tự động thay cho việc thủ công đánh chượp đã mang lại nhiều lợi ích trông thấy. Không chỉ rút ngắn thời gian sản xuất và giúp việc quay vòng vốn nhanh hơn mà giá trị sản phẩm cũng tăng trên 15%, năng suất tăng thêm 13%... Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời, náo đảo tự động trong sản xuất nước mắm vừa mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất, vừa tạo ra nhiều sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hay như nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire, ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc mạch máu lớn, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa năm 2020-2021”, do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chủ trì. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, tiết kiệm chi phí chữa bệnh. Từ tháng 10/2021-2023, đã có 243 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire và giúp giảm chi phí khoảng 2,9 tỷ đồng... Nhiệm vụ KH&CN “Khôi phục, phát triển nghề trồng và chế biến dong riềng truyền thống theo chuỗi giá trị tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa”, do Hội LHPN tỉnh chủ trì cũng đang mang lại kết quả tích cực. Qua nhiệm vụ này, đã tuyển chọn được giống dong riềng DR3-10; xây dựng mô hình thâm canh dong riềng, quy trình chế biến và mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, nhiệm vụ này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với lãi thuần từ cây dong riềng đạt trung bình 62,25 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực miền núi Thanh Hóa.

Ngoài các nhiệm vụ, đề tài KH&CN tiêu biểu nêu trên, còn hàng loạt các nhiệm vụ, đề tài đã được nghiên cứu và đang được đưa vào ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp là việc nghiên cứu giống lúa Lam Sơn 8; phục tráng 2 giống lúa nếp cẩm, nếp cái hạt cau, 1 giống mía Kim Tân; tuyển chọn được 2 giống lúa, 2 giống ngô, 2 giống 2 đậu tương có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh; nghiên cứu và công nhận lưu hành cho giống lúa thuần chất lượng Hương Thanh 8, Hương Thanh 10 ngắn ngày... Trong lĩnh vực y tế là việc nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; kỹ thuật thay máu cho trẻ vàng da sơ sinh bằng phương pháp tự động tại Bệnh viện Nhi; kỹ thuật ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa; kỹ thuật ghép thận cho 13 bệnh nhân và thực hiện thành công 2 ca ghép thận từ người cho chết não... Đặc biệt, còn nhiều nhiệm vụ, đề tài có ý nghĩa cấp thiết đối với công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, như: Nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa; giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị tín ngưỡng thờ các vị thần biển; xây dựng sản phẩm du lịch từ giá trị văn hóa biển... Trong đó, nhiều công trình KH&CN cấp tỉnh đã đạt Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam (11 công trình) và Giải thưởng KH&CN tỉnh Thanh Hóa (12 công trình). Đây là những công trình trình hội tụ đủ các tiêu chí về giá trị khoa học, giá trị công nghệ và giá trị ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể khẳng định, kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống thời gian qua, đã và đang góp phần khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Nhóm PV

Bài 2: Còn nhiều bất cập.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-khoang-cach-tu-ly-thuyet-den-thuc-tien-bai-1-tao-dong-luc-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-phat-trien-218355.htm