Ứng dụng khoa học và công nghệ trong duy trì và phát triển vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim

Vú sữa Lò Rèn là loại trái cây đặc sản của tỉnh, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý 'Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim'. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và nhiều yếu tố khác dẫn đến diện tích giảm mạnh. Để duy trì và phát triển cây vú sữa Lò Rèn, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các đề tài ứng dụng KH&CN hỗ trợ nông dân canh tác giống cây này.2 VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT

Hiện nay, vùng trồng vú sữa của tỉnh tập trung tại các huyện Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy và TX. Cai Lậy với nhiều giống như: Vú sữa Lò Rèn, vú sữa Tím, vú sữa Bánh Xe, vú sữa Vàng…; trong đó, vú sữa Lò Rèn là được ưa chuộng nhất.

Theo Sở KH&CN, giai đoạn 2007 - 2013, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát triển toàn diện cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” với các mục tiêu: Xác định được vùng đất thích nghi để trồng vú sữa; tuyển chọn cây đầu dòng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP và nghiên cứu bệnh thối rễ, chết cành cây vú sữa.

Nhờ sử dụng chế phẩm vi sinh từ nấm nội cộng sinh AMF, vườn vú sữa của bà Huỳnh Thị Vàng đã phục hồi tốt.

Chương trình đã đóng góp thiết thực trong cải thiện vườn vú sữa. Tuy nhiên, những năm gần đây, do cây già cỗi, việc áp dụng nhiều biện pháp thâm canh tăng năng suất, nhưng thiếu bền vững và sâu bệnh gây hại nhiều đã làm diện tích cây trồng này ngày càng thu hẹp dần. Mặt khác, do tình hình xâm nhập mặn gay gắt cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, để bổ sung giải pháp phát triển bền vững (trên cơ sở kế thừa những giải pháp đã nghiên cứu giai đoạn 2007 - 2013) và quản lý dịch hại ruồi đục trái đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Sở KH&CN đã phối hợp với các nhà nghiên cứu khoa học ở Viện Cây ăn quả miền Nam giải quyết 2 vấn đề chính. Thứ nhất là tăng cường sức khỏe nội sinh của cây để giúp cây chống chịu với hạn, mặn bằng cách sử dụng các dòng nấm nội cộng sinh (AMF) chủng vào rễ cây. Thứ 2 là giải pháp toàn diện trong quản lý ruồi đục trái trên vú sữa.

BƯỚC ĐẦU KHẢ QUAN

Đối với Đề tài Phân lập và phát triển chế phẩm vi sinh từ nấm nội cộng sinh AMF bản địa, giải pháp này được triển khai thí điểm tại 2 vườn vú sữa trên địa bàn huyện Châu Thành. Bà Huỳnh Ngọc Vàng (xã Đông Hòa, huyện Châu Thành) cho biết, thời điểm hạn, mặn năm 2020, vườn vú sữa hơn 4 công của gia đình bị ảnh hưởng rất nặng, cây suy kiệt.

Lúc đó, gia đình đã tính đến việc đốn bỏ, nhưng nhờ sử dụng chế phẩm vi sinh từ nấm nội cộng sinh AMF, cây phục hồi và phát triển rất tốt. Năm nay, gia đình chị phun rất ít thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhưng cây phát triển rất tốt, cho trái đạt và đẹp. Hiện vườn vú sữa phục hồi gần như 100%.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Khôi, Phó Giám đốc Sở KH&CN, trong điều kiện biến đổi khí hậu và hạn, mặn xảy ra ngày càng gay gắt, Sở đã đầu tư nghiên cứu triển khai mô hình điểm về ứng dụng các tiến bộ công nghệ sinh học để phục hồi cây vú sữa Lò Rèn.

Các mô hình được triển khai thông qua việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh có ích, phân hữu cơ vi sinh để cải tạo hệ sinh thái môi trường đất. Điều này nhằm hỗ trợ phục hồi bộ rễ của cây vú sữa Lò Rèn. Mô hình này là cơ sở khoa học, minh chứng cho việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu KH&CN vào canh tác cây vú sữa Lò Rèn bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Thông qua việc khảo sát đánh giá, nghiệm thu, Sở KH&CN cũng nhìn nhận có một số hạn chế. Trước hết, mô hình này được thực hiện ở quy mô tương đối nhỏ cần phải được phổ biến và nhân rộng trong thời gian tới. Tới đây, sau khi được Hội đồng khoa học nghiệm thu, đánh giá tính hiệu quả và an toàn, Sở KH&CN sẽ phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam, ngành Nông nghiệp, nông dân, chính quyền địa phương tập huấn, chuyển giao nhân rộng mô hình này. Bên cạnh đó, hiện nay nông dân trong vùng có xu hướng chuyển đổi trồng sang các loại cây ăn trái khác.

Chính vì vậy, Sở KH&CN cũng đã đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen để xác lập cây vú sữa Lò Rèn đầu dòng để bảo tồn. Khi điều kiện thuận lợi và người dân có nhu cầu, chúng ta sẽ có được nguồn giống cây đầu dòng để nhân lên. Bên cạnh sự nỗ lực của các nhà khoa học, các ngành liên quan và chính quyền địa phương, sự chung sức của người dân trong vùng chính là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được xác lập và bảo hộ tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Phó Trưởng Bộ môn Nông học - Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: “Từ ảnh hưởng của đợt hạn, mặn năm 2016 đến các vườn cây ăn trái, đặc biệt là cây vú sữa, nhóm nghiên cứu đã đề xuất với Sở KH&CN triển khai đề tài Phân lập nấm rễ AMF để phục hồi vườn vú sữa.

Nhóm nghiên cứu đã xuống xã Vĩnh Kim, chọn cây vú sữa đẹp và tìm ra những ổ AMF để phân lập trong phòng thí nghiệm, tuyển chọn những dòng vi sinh AMF ưu việt để nhân lên. Sau đó, dòng AMF này được mang lại vườn vú sữa tưới vào các gốc cây. AMF sẽ bám vào bộ rễ giúp ra dài tới khoảng 2 m, từ đó giúp cây tìm được nước, dinh dưỡng để chống chịu với hạn, mặn”.

Còn đối với Đề tài Giải pháp quản lý hiệu quả ruồi đục trái gây hại vú sữa, mô hình này cũng được triển khai thí điểm tại 2 vườn trên địa bàn huyện Châu Thành. Ông Huỳnh Văn Hiệp (xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành) cho biết, ruồi đục trái ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và chất lượng của trái vú sữa. Vừa qua, Viện Cây ăn quả miền Nam đã đến thực hiện thí điểm mô hình dẫn dụ ruồi đục trái tại vườn của gia đình. Bước đầu, việc dẫn dụ đã phát huy hiệu quả, trong các bẫy có nhiều ruồi rơi vào.

Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó Trưởng Bộ môn BVTV - Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, theo kết quả nghiên cứu của đơn vị vào năm 2018, các vườn vú sữa trên địa bàn tỉnh bị nhiễm ruồi đục trái khoảng 70%. Đây là đối tượng kiểm dịch thực vật đối với trái vú sữa khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc. Đề tài được triển khai với mục đích áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp để quản lý hiệu quả ruồi đục trái trên cây vú sữa nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV.

Bởi việc sử dụng thuốc BVTV không mang lại hiệu quả đối với đối tượng này. Đề tài được triển khai thí nghiệm giải pháp bao trái. Có 8 loại bao trái khác nhau được chọn thí nghiệm để so sánh xem loại bao trái nào mang lại hiệu quả kỹ thuật cũng mang lại hiệu quả kinh tế.

Song song đó, đề tài còn sử dụng giải pháp bẫy ruồi đục trái bằng việc sử dụng các bã chua ngọt để dẫn dụ trong phạm vi của vườn, nhằm giúp nông dân vừa dẫn dụ được con đực lẫn con cái. Một giải pháp khác nữa là lựa chọn những loại thuốc BVTV sinh học hoặc nhóm độc III trở lên để khi nông dân sử dụng sẽ đảm bảo an toàn khi thu hoạch. “Trong đề tài này, có một phần nghiên cứu về thành phần thiên địch của ruồi đục trái trên những vườn vú sữa.

Qua ghi nhận, có 3 nhóm thiên địch gồm: Ăn mồi, ong ký sinh và nấm ký sinh. Dựa vào những nhóm này, nhóm nghiên cứu chọn ra được 1 loại ong ký sinh, loài này ký sinh hiệu quả đối với nhộng và ấu trùng của ruồi đục trái. Sau đó, nhóm nghiên cứu nhân nuôi ong ký sinh này và phóng thích trên những vườn vú sữa…. Từ những kết quả riêng lẻ, bước đầu các giải pháp mang lại khả quan trong quản lý ruồi đục trái” - Tiến sĩ Hạnh cho biết thêm.

MINH THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/khoa-hoc-doi-song/202202/ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-duy-tri-va-phat-trien-vu-sua-lo-ren-vinh-kim-944534/