Ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp: Vẫn còn khoảng cách
Từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, thời gian qua, đã có nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hoạt động khoa học cũng như ứng dụng công nghệ trong ngành Nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN), thời gian qua, đã có nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hoạt động khoa học cũng như ứng dụng công nghệ trong ngành Nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn
Những năm qua, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thông qua các nhiệm vụ KH-CN cấp Nhà nước, Sở KH-CN đã tham mưu triển khai nhiều đề tài, dự án cấp tỉnh, cơ sở bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học tỉnh cho ngành Nông nghiệp. Thông qua đó, sở đã hỗ trợ chuyển giao nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, miền và địa phương trong tỉnh. Đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện ưu thế vượt trội so với canh tác truyền thống.
Điển hình như việc áp dụng quy trình sản xuất và chế biến lúa chất lượng cao tại thị xã Ninh Hòa đã giúp địa phương xây dựng được nhãn hiệu gạo Ngọc Quang với 2 giống lúa OM4900 và OM7347. Hiện nay, sản phẩm gạo Ngọc Quang của Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Hay quy trình kỹ thuật trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP (có lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và lưới ngăn côn trùng) tại xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh. Từ hiệu quả của 3 mô hình thử nghiệm, đến nay đã có nhiều hộ trên địa bàn xã học tập và áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 39 hộ áp dụng hệ thống lưới ngăn côn trùng với diện tích 17,5ha. Theo đánh giá của nhiều người dân, việc trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP đã cho năng suất cao hơn so với cách trồng truyền thống khoảng 10 - 12%, giảm được chi phí đầu tư. Quả táo thu được đồng đều, ít sâu bệnh nên hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm táo bán ra thị trường sạch hơn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và người trồng táo. Sở KH-CN đang tiếp tục hỗ trợ để xây dựng và quản lý Nhãn hiệu tập thể táo Cam Thành Nam do Hội Nông dân xã quản lý, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu táo cho người dân. Đặc biệt, cây táo đã trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn xã và là một trong những sản phẩm được đưa vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm trong năm 2020 của địa phương.
Trong lĩnh vực nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, các đề tài nghiên cứu chú trọng vào một số sản phẩm, cây trồng chủ lực như: mô hình bao quả xoài tươi nhằm tạo ra sản phẩm xoài sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người trồng và người tiêu dùng; quy trình xử lý chín tập trung quả sầu riêng Khánh Sơn; bảo quản dừa xiêm xanh; bảo quản tỏi sau thu hoạch... Ngoài ra, nhiều dự án ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý, tự động hóa trong sản xuất như: hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm nước kết hợp với hệ thống điều khiển trung tâm và bộ châm phân tự động trên vườn cây ăn quả; chuyển giao hệ thống bơm thủy năng phục vụ tưới trong nông nghiệp…
Một số hạn chế
Theo ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động KH-CN trong ngành Nông nghiệp vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng sức ép và sản phẩm nông nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Trong khi đó, một số địa phương chưa thật sự quan tâm công tác phối hợp đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH-CN hàng năm bám sát với tình hình thực tế sản xuất nông nghiệp tại địa phương, qua đó nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực. Cùng với đó, nguồn kinh phí dành cho công tác triển khai ứng dụng và nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH-CN vào thực tiễn ở các địa phương còn thấp, mới chỉ tập trung cho tập huấn, tuyên truyền phổ biến kết quả các đề tài, dự án.
Từ thực tế sản xuất, kỹ sư Bùi Văn Binh - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao cho rằng, hiện nay, các công trình nghiên cứu khoa học phát triển rất sâu rộng nhưng việc ứng dụng còn hạn chế. Tuy giải pháp công nghệ hiệu quả tốt, năng suất cây trồng cao nhưng chi phí đầu tư lớn; trong khi giá cả thị trường đầu ra bấp bênh, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến “được mùa, mất giá” nên tâm lý người dân còn e ngại. Do đó, ngoài việc khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ KH-CN, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, Nhà nước và doanh nghiệp cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ về vốn, tổ chức sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác.
Lãnh đạo Sở KH-CN kiến nghị, các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực quan tâm và chủ động phối hợp tốt hơn nữa với Sở KH-CN trong công tác đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN thiết thực hàng năm nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ và lồng ghép các nhiệm vụ ứng dụng KH-CN phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn thông qua việc đề xuất đặt hàng để triển khai có hiệu quả hơn các chương trình lớn của ngành tham mưu như: Xây dựng nông thôn mới; mỗi xã một sản phẩm; đẩy mạnh và phát huy các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng trong sản xuất và đời sống. Qua đó, tạo mối quan hệ hợp tác giữa 4 nhà gồm: Nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
KHÁNH HÀ