Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phát triển đàn bò sữa
Lâm Ðồng là tỉnh có điều kiện chăn nuôi và phát triển đàn bò sữa chất lượng cao. Nhiều năm qua, nông dân và các công ty lớn đã áp dụng các kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng đàn bò sữa cũng như chất lượng và số lượng sữa được tiêu thụ.
Nhiều nông hộ muốn vào HTX
Trước đây, kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa của người dân chưa nhiều, đặc biệt về khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng đối với đàn bò sữa nên năng suất chưa cao. Việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi bò sữa còn hạn chế hoặc không đồng đều, đồng bộ. Chăn nuôi còn phân tán (khoảng 70% đàn bò được nuôi tại trong hộ nông dân), quản lý không đồng nhất. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc khó kiểm soát dịch bệnh trên đàn bò sữa và chất lượng sữa sản xuất ra không ổn định, không đồng đều.
Vì vậy, những năm gần đây, các hộ nông dân đã chú trọng đầu tư khoa học kỹ thuật để phát triển đàn bò sữa chất lượng cao, mở ra hướng đi mới không chỉ giúp người dân giảm nghèo mà còn cho thu nhập ổn định.
Ông Phùng Trần Quỳnh, Giám đốc điều hành Hợp tác xã (HTX) bò sữa Đơn Dương cho biết: HTX có 81 thành viên với hơn 1.000 con bò, trong đó có 800 con đang cho vắt sữa. Hiện nay, HTX đang cung cấp nguồn sữa cho Đà Lạt Milk để sản xuất sữa thanh trùng nên tình hình tiêu thụ sữa trong thời gian qua tương đối ổn định. Để đảm bảo nguồn sữa chất lượng cao cho công ty, tất cả các khâu trong sản xuất phải đảm bảo chất lượng, trong đó bắt buộc người dân phải biết ứng dụng những khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi như: 100% các hộ sử dụng máy vắt sữa thay cho việc dùng tay vắt sữa thủ công nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm thời gian. Ngay từ năm 2011, người dân đã sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống cho bò sữa, nhằm đẩy nhanh đàn bò sữa nền, cải tạo con giống, tăng năng suất và chất lượng sữa; bởi vì, bê được lai tạo từ tinh phân biệt giới tính đạt tỷ lệ trên 94% bê con sinh ra là bê cái. Còn đối với chuồng trại, trong chăn nuôi bò sữa phải được đầu tư xây dựng theo công nghệ hiện đại như hệ thống mái được áp dụng công nghệ chống nóng bằng tôn lạnh với lớp nguyên liệu cách nhiệt, hệ thống máng uống nước tự động, hệ thống quạt tự động dựa vào cảm ứng nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi để làm mát trong chuồng tạo tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp với điều kiện phát triển chăn nuôi bò sữa. “Hiện nay, người dân có nhu cầu vào HTX rất nhiều, nhưng để vào người dân cần tiếp cận những kiến thức công nghệ mới và cách thức sản xuất mới được HTX kết nạp thành viên. Người dân chăn nuôi bò sữa khi tham gia sẽ được nâng cao kỹ năng, kỹ thuật chăn nuôi thông qua các buổi tập huấn. Từ đồng cỏ chất lượng cao, đàn bò khỏe mạnh và nguồn sữa tươi tốt, tôi càng tin hơn vào hướng đi của HTX”, anh Quỳnh nói.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, có đàn bò sữa hơn 300 con, được đầu tư bài bản, “đúng chuẩn” công nghệ cao. Ngoài hệ thống máy vắt sữa tự động, ông còn tận dụng nguồn phụ phẩm dồi dào, phong phú, đa dạng chăn nuôi bò sữa và sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh, nhằm đảm bảo giàu chất dinh dưỡng cho đàn bò, từ đó cho sữa nhiều và chất lượng cao; sử dụng robot đẩy thức ăn tự động để hạn chế công lao động và đảm bảo thức ăn thường xuyên cho vật nuôi. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư cả hệ thống kho lạnh để bảo quản sữa. Mỗi ngày gia đình ông thu từ 2-2,5 tấn sữa với giá bán cho công ty 13.000-14.000 đồng/lít. Theo ông Tuấn, chăn nuôi bò sữa hiện nay nếu tuân thủ đúng quy trình, cho ra sản phẩm sữa đạt chuẩn, thì sẽ được các doanh nghiệp thu mua hết với giá thỏa thuận trước.
Tăng thêm 1.000 con
Theo đại diện của Vinamilk, việc ứng dụng công nghệ như hệ thống tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc quản lý, vận hành trang trại sẽ đảm bảo đàn bò luôn được chăm sóc tối ưu, kỹ lưỡng, từ đó các cá thể có sức khỏe tốt, cho ra năng suất cao và chất lượng sữa tươi nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cao. Toàn bộ trang trại sử dụng rất nhiều phần mềm quản lý, từ quản lý khẩu phần, quản lý dinh dưỡng, quản lý sức khỏe bò bê, quản lý đàn, quản lý máy móc thiết bị… Các phần mềm này được tích hợp, liên kết và đưa lên điện toán đám mây, giúp cho việc lưu trữ, phân tích và truy cập luôn dễ dàng, thuận tiện.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 22.000 con bò sữa với khoảng 1.300 hộ, trang trại chăn nuôi tập trung.
Hầu hết bò sữa được bấm thẻ tai, lập hồ sơ, lý lịch cá thể để quản lý, tác động kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sữa.
Năng suất sữa tươi đạt bình quân 20 lít/ngày/con (khoảng 6.000 lít/chu kỳ/con), tổng sản lượng sữa đạt trên 80.000 tấn/năm. Khoảng 95% sản lượng sữa tươi được các Công ty Vinamilk, Cô gái Hà Lan và Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) thu mua hết. Theo bà Hà Thị Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho biết, xác định bò sữa là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành và thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, xây dựng mô hình chăn nuôi tiêu biểu, lai tạo giống; đào tạo, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân. Kế hoạch năm 2020, nâng quy mô tổng đàn bò sữa đạt trên 23.000 con và sản lượng sữa tươi đạt trên 84.000 tấn với chất lượng sữa tươi nguyên liệu đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định. Trên 95% sản lượng sữa tươi do nông dân sản xuất được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi bò sữa theo phương thức thâm canh, quy mô trang trại, nâng quy mô đàn tại các nông hộ, tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, ứng dụng nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu trong chăn nuôi bò sữa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sữa tươi để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của các đơn vị thu mua sữa và thị trường; khuyến khích phát triển đàn bò sữa theo hướng tăng tự nhiên, sử dụng nguồn tinh bò giống có năng suất, chất lượng để phối giống; hạn chế việc nhập bò giống từ các tỉnh khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ về nuôi trong tỉnh để từ đó nâng dần chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh.