Ứng dụng kỹ thuật ECMO cứu sống nữ sinh mắc béo phì nặng nguy kịch vì nhiễm trùng
Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa điều trị cho một nữ sinh trẻ tuổi mắc béo phì độ III nhờ vào kỹ thuật oxy hóa máu màng ngoài cơ thể phương thức tĩnh – tĩnh mạch (V-V ECMO).

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Người bệnh là Đ.V.Y.N, SN 2003, hiện là sinh viên đại học tại TP Hồ Chí Minh, có chỉ số khối cơ thể (BMI) 37 kg/m² – thuộc nhóm béo phì độ III. Bệnh nhân N nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau vùng bụng và hông, được chẩn đoán viêm thận – bể thận cấp hai bên, nhiễm trùng huyết và phát hiện mắc đái tháo đường lần đầu. Dù được điều trị kháng sinh phổ rộng từ sớm, bệnh tình của chị N vẫn diễn tiến nhanh, dẫn đến sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp, suy hô hấp và tổn thương đa cơ quan chỉ sau 48 giờ nhập viện.
Bác sĩ phải đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn và lọc máu hấp phụ để kiểm soát tình trạng suy đa cơ quan. Tuy nhiên, tổn thương phổi tiếp tục lan rộng, hội chứng nguy kịch hô hấp cấp với tình trạng giảm oxy máu nặng xuất hiện chỉ sau 5 ngày. Trong bối cảnh bệnh diễn biến phức tạp và đe dọa tính mạng, các bác sĩ đã quyết định sử dụng kỹ thuật V-V ECMO – biện pháp hỗ trợ tuần hoàn – hô hấp ngoài cơ thể.
Theo ThS.BS Trần Thanh Nam, Khoa Hồi sức tim mạch, người trực tiếp điều trị, kết quả cấy máu của người bệnh dương tính với vi khuẩn Klebsiella pneumoniae – một loại vi khuẩn Gram âm nổi tiếng kháng thuốc. Trong các trường hợp nhiễm trùng nặng, vi khuẩn này có thể gây suy đa cơ quan và tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời bằng các biện pháp hồi sức hiện đại và phối hợp đa chuyên khoa.
Tuy nhiên, việc can thiệp ECMO trên người bệnh béo phì là một thách thức không nhỏ. Mô mỡ dày khiến thao tác kỹ thuật khó khăn, mạch máu ẩn sâu hơn, đi kèm là nguy cơ tăng đông, tắc mạch, nhiễm trùng tại vị trí can thiệp và nhiều bất lợi khác về giải phẫu và sinh lý. Quản lý liều thuốc, chăm sóc dinh dưỡng và phục hồi chức năng cũng gặp nhiều khó khăn hơn ở nhóm người bệnh này. Tuy vậy, nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các chuyên khoa – từ hồi sức tích cực, hồi sức tim mạch, dược lâm sàng, vật lý trị liệu đến dinh dưỡng – chỉ sau 8 ngày can thiệp ECMO, bệnh nhân hồi phục ngoạn mục, chức năng tạng gần như ổn định hoàn toàn.
Trước khi ra viện, bệnh nhân được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn kỹ lưỡng về chế độ ăn uống, luyện tập cũng như lên kế hoạch theo dõi ngoại trú dài hạn để kiểm soát cân nặng, đái tháo đường và các nguy cơ chuyển hóa khác.
TS.BS Giang Minh Nhật, Phó trưởng Khoa Hồi sức tim mạch cho biết, béo phì là một bệnh lý mãn tính với tỷ lệ gia tăng nhanh chóng. Theo khảo sát cộng đồng, có tới 20% người trưởng thành Việt Nam đang trong tình trạng thừa cân, béo phì. Không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như cao huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, ung thư và đặc biệt là tình trạng nhiễm trùng nặng.
Một thực tế đáng lo ngại là người béo phì thường có phản ứng miễn dịch yếu hơn, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và khi bị nhiễm trùng, quá trình điều trị thường phức tạp và kéo dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn đặt gánh nặng lớn lên hệ thống y tế và xã hội, từ chi phí điều trị, thời gian nằm viện cho đến khả năng hồi phục và chất lượng sống về sau.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc kiểm soát cân nặng và phòng ngừa béo phì, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng các loại vi khuẩn kháng thuốc và các bệnh lý nhiễm trùng phức tạp hiện nay.