Ứng dụng kỹ thuật siêu âm, nâng cao năng suất sinh sản đàn bò lai hướng thịt

'Ứng dụng kỹ thuật siêu âm làm cơ sở xác lập liệu trình sử dụng hormon phù hợp để nâng cao năng suất sinh sản đàn bò lai hướng thịt huyện Đức Hòa và Đức Huệ, tỉnh Long An' là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh nhằm giúp nhiều hộ áp dụng kỹ thuật vào nuôi bò đạt hiệu quả.

Nâng cao năng suất đàn bò sinh sản

Đề tài “Ứng dụng kỹ thuật siêu âm làm cơ sở xác lập liệu trình sử dụng hormon phù hợp để nâng cao năng suất sinh sản đàn bò lai hướng thịt huyện Đức Hòa và Đức Huệ, tỉnh Long An” do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, đơn vị chủ trì là Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh. Thời gian thực hiện đề tài trong 30 tháng, bắt đầu từ tháng 7/2022 đến 12/2024. Tổng kinh phí thực hiện 888.139.000 đồng từ ngân sách Nhà nước.

Nuôi bò là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ

Nuôi bò là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ

Đề tài được nghiên cứu nhằm mục tiêu chung nâng cao năng suất sinh sản đàn bò lai hướng thịt, góp phần tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò thịt sinh sản ở hộ dân và thúc đẩy sự phát triển nhanh đàn bò thịt trên địa bàn huyện Đức Hòa, Đức Huệ.

Mục tiêu cụ thể của đề tài nhằm đánh giá hiện trạng năng suất sinh sản của đàn bò lai hướng thịt; xây dựng quy trình hormon phù hợp với đặc điểm sinh lý của bò cái để nâng khả năng đậu thai; cải thiện năng suất sinh sản đàn bò cái lai hướng thịt từ 10 - 15%.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, Long An là một trong những địa phương có số lượng đàn bò nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu tập trung ở huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Nuôi bò là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình.

Hiện nay, đàn bò ở huyện Đức Hòa nhiều hơn huyện Đức Huệ với tổng đàn hơn 67.000 con, trong đó bò sữa khoảng 13.000 con. Thời gian qua, đánh giá được điều kiện và tiềm năng phát triển bò thịt, tỉnh thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt ở hai huyện Đức Hòa và Đức Huệ.

Bác sĩ thú y Trương Công Đạm - Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh (đồng chủ nhiệm đề tài) cho biết: Để thực hiện đề tài khoa học này, nhóm nghiên cứu khảo sát tại 50 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đức Hòa và Đức Huệ với tổng đàn 892 con bò, trong đó có 360 con bò sinh sản.

Nhóm thực hiện đề tài khảo sát lựa chọn 204 con bò cái sinh sản của 9 hộ trên địa bàn huyện Đức Hòa và Đức Huệ để xây dựng quy trình hormon theo đặc điểm sinh lý đường sinh dục bò và sử dụng hormon để gây động dục, tăng khả năng đậu thai, điều trị chậm động dục và chậm đậu thai. Những con bò này được siêu âm qua trực tràng để khẳng định động dục và xác định thời điểm gieo tinh, chẩn đoán mang thai, chẩn đoán các bệnh lý sản khoa,... nhằm đánh giá tình trạng đường sinh dục bò cái trong trường hợp chậm động dục và chậm đậu thai.

Đề tài “Ứng dụng kỹ thuật siêu âm làm cơ sở xác lập liệu trình sử dụng hormon phù hợp để nâng cao năng suất sinh sản đàn bò lai hướng thịt huyện Đức Hòa và Đức Huệ, tỉnh Long An” do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, đơn vị chủ trì là Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh. Thời gian thực hiện đề tài trong 30 tháng, bắt đầu từ tháng 7/2022 đến 12/2024. Tổng kinh phí thực hiện 888.139.000 đồng từ ngân sách Nhà nước.

Ứng dụng kỹ thuật mới để tăng thu nhập

Qua khảo sát của nhóm thực hiện đề tài tại số hộ được chọn điều tra, số hộ có kinh nghiệm nuôi bò hơn 10 năm chiếm 50%, 5-10 năm chiếm 28%, còn lại dưới 5 năm chiếm 22%. Kết quả khảo sát cho thấy nuôi bò thịt đã có truyền thống trên địa bàn huyện Đức Hòa, Đức Huệ.

Tiến sĩ Nguyễn Kiên Cường - Phó Trưởng khoa Chăn nuôi thú y Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho rằng, trong chăn nuôi bò, người dân còn áp dụng phương pháp chẩn đoán đậu thai theo phương cách truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên năng suất còn kém. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có nhiều ứng dụng tiên tiến, điển hình là kỹ thuật siêu âm nhằm hỗ trợ năng suất sinh sản cho đàn bò. Khi thực hiện đề tài, định kỳ 1-2 tháng, nhóm đến từng hộ dân để ghi nhận những số liệu về sinh sản, thăm khám cho những con bò chậm đậu thai, phối giống nhiều lần không đậu thai. Trong quá trình này, nếu con bò không có thai, bác sĩ thú y hỗ trợ dùng thuốc để xử lý bò lên giống lại, phối giống để bò mau đậu thai. Bên cạnh đó, trong quá trình đi thực tế, đoàn nghiên cứu đề tài còn giúp người nuôi quản lý, chọn nguồn tinh phối giống chất lượng, nâng cao chất lượng bò con, tăng chất lượng thịt phục vụ thị trường.

Tiến sĩ Nguyễn Kiên Cường - Phó Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, siêu âm cho bò

Tiến sĩ Nguyễn Kiên Cường - Phó Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, siêu âm cho bò

Anh Nguyễn Minh Phước (ấp Gò Sao, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa) là một trong những hộ nuôi bò mà nhóm thực hiện đề tài chọn hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Anh Phước đang nuôi 30 con bò với nhiều lứa tuổi khác nhau. Trước đây, khi chưa áp dụng kỹ thuật siêu âm, anh Phước thường nhờ bác sĩ thú y hỗ trợ về chẩn đoán mang thai. Tuy nhiên, có những con bò không mang thai sau khi gieo tinh nhưng không được phát hiện sớm để điều trị nếu có bệnh lý hoặc sớm phối giống trở lại để đạt năng suất khi chăn nuôi.

Ngoài ra, anh Phước còn được hướng dẫn và bắt đầu chú trọng việc ghi chép nhật ký chăn nuôi. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để quản lý tốt từng con bò trong trại từ nguồn thức ăn, tiêm chủng đến quá trình gieo tinh và năng suất sinh sản. Trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò nói riêng, năng suất sinh sản ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi.

Tiến sĩ Nguyễn Kiên Cường nhận xét, so với trước đây, khi có nhóm thực hiện đề tài hỗ trợ, người dân tự chăn nuôi từ khâu quản lý đàn bò đến chọn giống để gieo tinh. Người nuôi bắt đầu ghi chép đầy đủ thông tin, làm cơ sở phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp cần xử lý kịp thời trong chăn nuôi. Từ những thông tin này, nhóm nghiên cứu nắm thông tin, đưa ra phương pháp xử lý kịp thời theo quy trình khuyến cáo, mang hiệu quả nhất định cho người chăn nuôi khi tham gia đề tài.

Những người thực hiện đề tài nghiên cứu này kỳ vọng người chăn nuôi tiếp cận kiến thức mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi. Cán bộ thú y địa phương được tiếp cận, nhận chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tư vấn tốt hơn cho người chăn nuôi, duy trì thành quả của đề tài này.

Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) - Huỳnh Trung Hòa chia sẻ, trong quá trình kiểm tra thực tế tại các hộ chăn nuôi, kết quả đề tài phù hợp với tình hình sản xuất thực tế địa phương. Vì vậy, sản phẩm của đề tài có khả năng nhân rộng để nâng cao năng suất sinh sản đàn bò lai hướng thịt, góp phần tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò thịt sinh sản, tạo ra thêm các sản phẩm hữu cơcó chất lượng cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu./.

“So với trước đây, khi có nhóm thực hiện đề tài hỗ trợ, người dân tự tin trong chăn nuôi từ khâu quản lý đàn bò đến chọn giống để gieo tinh. Người nuôi bắt đầu ghi chép đầy đủ thông tin, làm cơ sở phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp cần xử lý kịp thời trong chăn nuôi“

Tiến sĩ Nguyễn Kiên Cường - Phó Trưởng khoa Chăn nuôi thú y Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ung-dung-ky-thuat-sieu-am-nang-cao-nang-suat-sinh-san-dan-bo-lai-huong-thit-a184861.html