Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa

Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh. Để nâng cao năng suất, chất lượng lúa, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP… Bên cạnh đó, ngoài việc cơ cấu các giống lúa thường sang các giống lúa cao sản, đặc sản để nâng chất lượng lúa thì việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa (mạ khay, máy cấy) trong sản xuất lúa cũng được Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thực hiện tại một số xã thuộc các huyện: Long Phú, Mỹ Xuyên, đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa...

Trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2021 - 2022, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng tiếp tục triển khai mô hìnhỨng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên. Ảnh: TL

Được biết, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) là một trong những đơn vị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn làm điểm triển khai thực hiện mô hình Ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa trong vụ lúa Hè - Thu năm 2021 vừa qua. Mô hình này đã đem lại nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là hỗ trợ HTX biết thêm mô hình mới trong sản xuất lúa để lựa chọn việc gieo sạ cho từng mùa vụ, phù hợp tình hình thời tiết trong năm.

Nhiệt tình đưa chúng tôi tham quan cánh đồng lúa vụ Đông - Xuân năm 2021 - 2022 của HTX rộng mênh mông, giai đoạn đòng trổ, đang đi trên bờ ruộng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi Trương Văn Hùng vội bước xuống ruộng lúa để nhổ vài cây lúa lẫn, ông Hùng tâm tình: “Nếu như ruộng lúa áp dụng phương pháp cấy như trong vụ Hè - Thu vừa qua thì việc khử lẫn lúa khá dễ dàng cho người trồng lúa, bởi lúa cấy ngay hàng thẳng lối, khoảng cách giữa các cây lúa phù hợp nên khi phát hiện lúa mọc ngoài hàng lúa cấy là biết lúa lẫn ngay từ nhỏ, sẽ dễ dàng nhổ bỏ, còn nếu hộ dân áp dụng sạ lúa lan theo cách truyền thống, phải đợi lúa trổ mới khử lẫn được. Đó là một trong những hiệu quả máy cấy đem lại cho người nông dân khi ứng dụng máy cấy vào sản xuất…”.

Cũng theo chia sẻ của ông Hùng, trong vụ lúa Hè - Thu năm 2021, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi đã được Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng triển khai mô hình Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa với diện tích 50ha, có 32 thành viên tham gia, giống lúa OM18 được dùng làm mạ để cấy cho ruộng trong mô hình. Lượng giống dùng gieo mạ để cấy khoảng 3 - 4kg giống/1.000m2, giảm 6kg giống so với gieo sạ áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và từ 10 - 15kg so với cách gieo sạ truyền thống trước kia, giúp giảm chi phí về giống. Vì cấy lúa thưa nên lúa cứng cây, rất thích hợp khi canh tác vụ Hè - Thu có nhiều đợt mưa, tránh được tình trạng ngã đổ lúa. Cùng với đó, khi cây lúa sinh trưởng khỏe sẽ hạn chế sâu hại tấn công lúa, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là phương pháp dùng máy cấy lúa thích hợp sử dụng lúa cấy sau thu hoạch làm giống cho các vụ mùa tiếp theo, bởi lúa không bị lẫn lộn các giống lúa khác. Bên cạnh đó, năng suất lúa khá tốt, đạt 6,9 tấn/ha, lợi nhuận gần 37 triệu đồng/ha, tăng hơn so bên ngoài gần 9 triệu đồng/ha.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng Liễu Nghĩa Tín cho biết: “Khi ứng dụng khâu sản xuất lúa bằng mạ khay, máy cấy đã giảm tối thiểu 1/2 lượng hạt giống lúa so với tập quán gieo sạ phổ biến (bằng tay, máy phun); tăng hiệu quả tài chính của mô hình 23% so với sản xuất ngoài mô hình. Năng suất lúa cấy máy cao hơn ruộng sạ tay từ 400 - 500kg/ha. Riêng với nông dân sử dụng máy cấy làm dịch vụ, lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng/ha, sau khi trừ các khoản tiền công làm mạ, khấu hao sửa chữa máy, nhiên liệu, thuê vận chuyển mạ và thuê nhân công lái máy cấy. Như vậy, từ 2 đến 2,5 vụ lúa là nông dân làm dịch vụ máy cấy thu hồi vốn…”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/ung-dung-ma-khay-may-cay-trong-san-xuat-lua-53764.html