Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa

Văn Lâm

Vụ xuân này, huyện Văn Lâm phấn đấu gieo cấy trên 2 nghìn ha lúa. Ngoài việc gieo cấy lúa theo phương thức truyền thống, khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều diện tích trên địa bàn huyện đã ứng dụng gieo mạ khay và cấy bằng máy. Từ đầu vụ lúa xuân đến nay, trong huyện đã có gần 100ha cấy lúa ứng dụng theo phương pháp này, tập trung ở các xã: Việt Hưng, Đại Đồng, Minh Hải… Theo đánh giá của các hộ dân, áp dụng mạ khay, máy cấy có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp gieo thẳng và cấy truyền thống, như: Tiết kiệm ngày công lao động ở khâu gieo mạ và đi cấy, giảm 10 - 15% lượng giống; lúa thẳng hàng, khoảng cách giữa các cây đều nên dễ chăm sóc; lúa cứng cây, khả năng chống chọi cao với những biến đổi của thời tiết; khi sinh trưởng, lúa đẻ nhánh sớm, cây khỏe, trỗ tập trung; giảm một phần chi phí sản xuất… Đặc biệt là phương pháp dùng máy cấy, lúa sau thu hoạch, hạt thóc có thể sử dụng làm giống cho các vụ sau bởi khi sản xuất không bị lẫn giữa các giống. Đưa chúng tôi ra tham quan cánh đồng lúa 20ha của gia đình vừa mới cấy xong, chị Vũ Thị Hường ở thị trấn Như Quỳnh cho biết: Đã 2 vụ lúa tôi áp dụng sản xuất gieo cấy bằng mạ khay, máy cấy trên 100% diện tích. Việc ứng dụng theo phương pháp này giúp hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của thời tiết so với việc gieo mạ ngoài trời. Bên cạnh đó, lúa cấy bằng máy sử dụng mạ khay không trải qua giai đoạn nhổ mạ cấy nên hạn chế được hiện tượng đứt rễ. Vì vậy, sau cấy, cây lúa sẽ bén rễ hồi xanh nhanh hơn, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết tốt hơn. Áp dụng phương pháp này, tôi nhận thấy năng suất lúa cấy máy cao hơn so với lúa cấy tay trung bình từ 10 đến 13%, giảm chi phí khoảng 150 - 200 nghìn đồng/sào/vụ so với cấy thủ công.

Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa ở xã Lạc Đạo (Văn Lâm)

Nắm bắt nhu cầu của nông dân trong việc sản xuất lúa áp dụng phương pháp mạ khay, máy cấy, năm 2019, anh Nguyễn Văn Cơ ở xã Việt Hưng đã đầu tư mua 3 máy cấy, trung bình 360 triệu đồng/máy và 12 nghìn khay để gieo mạ. Anh Cơ cho biết: Nhận thấy những ưu điểm của phương pháp mạ khay, máy cấy nên vụ xuân này, tôi nhận được nhiều đơn hàng hơn từ người dân trong và ngoài huyện, ngày mùng 8 tháng Giêng, gia đình đã bắt đầu xuống đồng sản xuất. Để sản xuất lúa kịp thời vụ cho bà con, hiện nay, tôi thuê 7 - 10 lao động thực hiện các khâu vận hành máy, chuẩn bị khay mạ… nhằm bảo đảm năng suất khoảng 10 phút/sào cấy. Thời điểm hiện nay, tôi đang tiếp tục gieo mạ trên khay để đáp ứng nhu cầu đối với những diện tích người dân gieo mạ bị hỏng do ảnh hưởng của thời tiết.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc nhân rộng mô hình máy cấy, mạ khay trên địa bàn huyện Văn Lâm vẫn còn gặp một số khó khăn như: Chi phí đầu tư ban đầu cho máy móc, vật tư làm khay lớn nên các chủ máy cấy chưa chủ động được; diện tích tập kết khay mạ đòi hỏi mặt bằng khá lớn. Để việc sử dụng mạ khay, máy cấy hiệu quả tối đa thì phải đưa vào áp dụng ở những cánh đồng, thửa ruộng lớn kèm với yêu cầu cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất lúa như: Làm đất, nước… Vì vậy, mạ khay, máy cấy trên địa bàn huyện Văn Lâm vẫn đang chỉ áp dụng được ở một số địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn, tập trung với chân ruộng đều nước.

Đồng chí Trịnh Văn Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Lâm cho biết: Qua thực tế triển khai mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trên địa bàn huyện đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm giống lúa, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy truyền thống. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, thúc đẩy liên kết để hình thành vùng sản xuất cánh đồng lúa lớn. Thời gian tới, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để áp dụng mô hình gieo mạ khay, cấy bằng máy; khuyến khích thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên gieo mạ khay, cấy bằng máy; giới thiệu các cá nhân, đơn vị kinh doanh dịch vụ máy cấy cho nông dân trong huyện để góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân từ cây lúa.

Minh Huế

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202203/van-lam-ung-dung-ma-khay-may-cay-trong-san-xuat-lua-8bb17e8/