Ứng dụng miễn dịch, hướng mới trong điều trị ung thư
Ngày 30/9, hội thảo quốc gia 'Ung thư và miễn dịch' do Bệnh viện K tổ chức thu hút hơn 500 nhà khoa học trong nước và chuyên gia nước ngoài đến từ các quốc gia có nền y học phát triển, đặc biệt về ung thư như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu.
Tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho hay, năm 2020, ghi nhận 122.690 trường hợp tử vong vì ung thư, gấp 18 lần tổng số ca tử vong vì tai nạn giao thông trong cùng năm, gấp 3 lần tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tính đến tháng 8/2022. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.
"Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến ở giai đoạn muộn. Do đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn", GS.TS Lê Văn Quảng nói.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trị ung thư phải kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và miễn dịch. “Hiểu rõ về cơ chế miễn dịch trong điều trị ung thư giúp người thầy thuốc cá thể hóa trên từng trường hợp cụ thể, hiểu rõ bản chất các đột biến gene, các thay đổi ức chế, dấu ấn miễn dịch, mở ra cánh cửa mới trong điều trị ung thư. Kết quả bước đầu ghi nhận cho thấy có nhiều triển vọng tích cực cho tỉ lệ sống thêm, giảm tỉ lệ tái phát di căn”, PGS. Bình cho hay.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin thêm, nhờ tiếp cận phương pháp này, người bệnh ở Việt Nam được tối ưu hóa điều trị trong nước và kết quả, chất lượng có thể tiệm cận quốc tế. Hiện Bệnh viện K đã áp dụng điều trị miễn dịch cho nhiều loại ung thư như ung thư vú, đại trực tràng, phổi, ung thư tiền liệt tuyến… và một số lĩnh vực thần kinh, nhi khoa.
Một số thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư (phương pháp miễn dịch) được bảo hiểm y tế trả một phần hoặc toàn bộ. Một số thuốc mới được Cơ quan Quản lí thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt trong điều trị có thể giá cao hơn trong khi điều trị ung thư có nhiều bệnh nhân nghèo.
Vì vậy bệnh viện thường kết hợp nhiều phương pháp điều trị cùng với sự vận động quỹ, nhà hảo tâm để giúp bệnh nhân được điều trị ung thư. Ông Bình cho biết thêm, tùy từng loại bệnh ung thư, ở giai đoạn sớm của bệnh có thể điều trị bằng phẫu thuật triệt căn và 60% bệnh nhân ung thư có thể can thiệp ngoại khoa.
Phó Giám đốc Bệnh viện K khuyến cáo: “Hiện có nhiều biện pháp điều trị ung thư nhưng việc phát hiện vẫn là phương pháp rất quan trọng giúp 1/3 số bệnh nhân có cơ hội được điều trị sớm, hiệu quả cao hơn”.