Ứng dụng mua bán ve chai công nghệ
Một ứng dụng kết thu mua ve chai với tên gọi VECA (viết tắt của 've chai') nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng. Đây là ứng dụng được sáng lập bởi hai start-up 8X là anh Bùi Thế Bảo và chị Đỗ Thị Minh Trang. Được biết, ứng dụng sẽ có thể kết nối cả ba bên bao gồm người bán, người mua và vựa thu gom phế liệu chỉ bằng những thao tác đơn giản với bảng giá chi tiết, minh bạch cho từng loại phế liệu.
Một điểm gây chú ý ở VECA là ứng dụng sẽ không thu phí nhằm thúc đẩy người bán, chia sẻ khó khăn với người mua và vựa ve chai. Chi phí vận hành sẽ được VECA kinh doanh ở giai đoạn sau với các nhà máy tái chế. Giá thu mua ve chai cũng sẽ luôn được cập nhật cùng với sự hài hòa lợi ích giữa các bên và VECA không quy định điều này. Kể từ tháng 4/2021, ứng dụng đã được triển khai tại quận Phú Nhuận (TP. HCM).
Anh Bùi Thế Bảo cho biết, công việc của những người thu gom ve chai là đi khắp con phố, “luồn lách” khắp các ngỏ hẻm để tìm mua những đống giấy vụn, sắt vụn, thiết bị gia dụng… với giá khi 3.000, khi 5.000, lúc vài chục ngàn đồng. Tuy nhiên, ngày càng có ít người còn quan tâm đến chuyện sẽ bán phế liệu mà lại chọn cách vứt đi cùng với các loại rác thải sinh hoạt khác. Điều này chẳng những khiến người thu mua phế liệu đối mặt với nỗi lo thất nghiệp mà còn làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nhờ có app mà công việc của những người làm nghề thu gom ve chai cũng đỡ vất vả mà thu nhập lại tăng.
Việc cho ra đời và vận hành một ứng dụng công nghệ như VECA đã giúp quá trình thu mua được diễn ra dễ dàng hơn. Người bán có thể đặt lịch thu mua với mức giá được niêm yết minh bạch. Người mua thông qua các đơn hàng được đặt qua app sẽ đi thu và thanh toán vào ví điện tử MoMo. Điều này giúp giảm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian, sức khỏe cho các bên rất nhiều.
Chị Đỗ Thị Minh Trang cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam được cho là nằm trong top 5 nước có lượng rác thải nhựa thải ra biển nhiều trên thế giới. Hằng năm, Việt Nam lãng phí hàng triệu tấn phế liệu và nhập hàng triệu tấn rác dưới danh nghĩa phế liệu. Bao bì các loại sau khi được phân loại đến các nhà máy thì được gọi là nguyên vật liệu sản xuất còn số phế liệu không được phân loại, và thu gom thì bị đưa đến các bãi rác để chôn lắp, thải ra biển. VECA được sáng lập không chỉ giải quyết vấn đề phân loại rác mà còn góp phần giải quyết bài toán khó về môi trường.
Giao diện app thu gom ve chai do anh Bùi Thế Bảo và chị Đỗ Thị Minh Trang sáng chế.
VECA ra đời nhằm lan tỏa các thông điệp: "Tái chế là giải pháp quan trọng để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường", "Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của mọi người" và cuối cùng là thông điệp “Phế liệu, phế liệu là tiền, không phải rác”.
Nỗ lực xoay quanh việc phân loại rác thông qua công nghệ 4.0 đang được cộng đồng kì vọng nó sẽ góp phần xóa tên Việt Nam khỏi các quốc gia có lượng rác nhựa thải ra biển nhiều trên thể giới. Đồng thời, dự án sẽ lan tỏa thông điệp “sống xanh”, “sống khỏe” và nâng cao ý thức phân loại rác thải đến tất cả các thế hệ người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ trong tương lai.
Điều đặc biệt là VECA còn được liên kết với ví điện tử MoMo nhằm tăng độ bảo mật, giúp giao dịch được thực hiện một cách an toàn, tiện lợi hơn.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ung-dung-mua-ban-ve-chai-cong-nghe-post1337068.tpo