Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài
Sáng 25/4, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án 'Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài tại tỉnh Cà Mau'.

40 đại biểu, hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh trong tỉnh tham gia hội thảo.
Dự án "Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài tại tỉnh Cà Mau" được thực hiện từ tháng 6/2023-6/2025 do GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau làm cơ quan chủ quản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp thực hiện.

Tiến sĩ Thái Trường Giang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đánh giá cao tính khả thi của dự án.
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS) trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trước cuộc hội thảo tổng kết dự án này, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực nghiệm mô hình và hội thảo đầu bờ tại 3 hộ thuộc xã: Hòa Tân, TP Cà Mau; Hàm Rồng, huyện Năm Căn và Khánh An, huyện U Minh.

GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, chủ nhiệm dự án, giải đáp thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm cùng các hộ nuôi tôm tại hội nghị.
Từ mô hình thực nghiệm tôm nuôi từ 70-90 ngày ở 3 mô hình, kết quả: các yếu tố môi trường rất ổn định; khối lượng tôm thu được trung bình ở 3 mô hình khoảng 26,2g/con, tỷ lệ sống trung bình của tôm là 61,7 %, năng suất trung bình là 4,28 kg/m2 (42,8 tấn/ha/vụ). Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh CTU - RAS thực hiện thành công tại tỉnh Cà Mau, đạt các chỉ tiêu đề ra.

Anh Lê Hoàng Hợp chia sẻ ưu và nhược điểm của mô hình, trong quá trình nuôi thực tế tại gia đình (xã Khánh An).
GS.TS. Trần Ngọc Hải cho biết: “Ưu điểm của mô hình là thân thiện môi trường, với hệ thống lọc nước tuần hoàn, nước thải và chất thải được xử lý qua lọc sinh học; tiết kiệm diện tích do diện tích lọc sinh học xử lý nước chỉ chiếm 25-30% tổng diện tích nuôi. Tôm nuôi đạt năng suất và sản lượng cao, có thể nhân rộng quy trình CTU-RAS cho các nông dân, công ty, doanh nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tại tỉnh Cà Mau. Sản phẩm sạch, tự nhiên, chất lượng cao, an toàn thực phẩm (không dùng kháng sinh, sử dụng thức ăn thiên nhiên là bí đỏ). Có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào quản lý, vận hành”.
Mô hình có thể triển khai ở các quy mô nhỏ - lớn khác nhau, nông hộ - công ty, ở vùng ven biển hay đặc biệt là vùng đồ thị nội địa…

Hội thảo đầu bờ Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài tại hộ ông Phùng Văn Vĩnh, ấp Bùng Binh, Xã Hòa Tân, TP Cà Mau.

Bổ sung thức ăn thiên nhiên là bí đỏ, giảm lượng và giảm chi phí thức ăn, khoáng và hóa chất, giúp màu tôm đẹp.
Tiến sĩ Thái Trường Giang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, đánh giá: “Mô hình có thể triển khai từ nông thôn đến thành thị, rất tiện lợi, dễ thực hiện khi cần tăng diện tích nuôi, ít thay nước, thân thiện môi trường bởi có thể kiểm soát được sả thải ra môi trường. Bà con thực hiện mô hình cần tuân thủ quy trình kỹ thuật của nhà khoa học; nguồn tôm giống phải đảm bảo từ đầu vào, đây là một trong yếu tố quyết định hiệu quả nuôi. Mong chủ nhiệm dự án tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khắc phục các sự cố có thể xảy ra trong quá trình vận hành quy trình nuôi, giúp nông dân Cà Mau nuôi tôm đạt năng suất, hiệu quả trong thời gian tới”.