Ứng dụng thời tiết tải nhiều giữa bão số 3, chuyên gia đề xuất đưa cảnh báo vào VNeID
Tại tọa đàm về chuyển đổi số, Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh vai trò của dữ liệu lớn và công nghệ trong cảnh báo thiên tai. Ông đề xuất tận dụng dữ liệu lớn, kết nối cảnh báo thiên tai với nền tảng số VNeID...
Cảnh báo thiên tai cần đến tận tay dân
Ngày 24/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối sống còn giữa hai cấp chính quyền địa phương".
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam dẫn chứng về việc sử dụng dữ liệu lớn cảnh báo thiên tai từ cơn bão số 3.
Theo ông Đồng, trong tuần qua, khi diễn ra cơn bão số 3, hai ứng dụng liên quan đến cảnh báo thời tiết lọt top tải nhiều nhất. Bởi vì trong các giai đoạn thiên tai, nhu cầu thông tin của người dân về thời tiết là rất lớn.
“Các ứng dụng như vậy có thể chuyển tải ngay lập tức cảnh báo, ví dụ như vị trí của tôi ngồi đây có bị ảnh hưởng bởi thiên tai không? Ô tô đỗ ngoài kia có phải là điểm ngập nước hay không? Khi tôi đi du lịch có bị giông, lốc không?”, ông Đồng nêu ví dụ.
Ở Mỹ, thị trường dự báo thời tiết khoảng hơn 10 tỷ USD/năm và có những doanh nghiệp rất lớn để vận hành. Ở Việt Nam, có những thành phố, địa phương đã làm rất tốt như Huế kết nối thông tin dự báo qua hệ thống ứng dụng "Huế S" hoặc các trang thông tin điện tử cập nhật gần như tức thời cho người dân về tình trạng thiên tai, lũ lụt.
Ngoài ra, ông Đồng cũng đề xuất cần kết nối dữ liệu dự báo với các nền tảng số như VNeID để cảnh báo kịp thời, đồng thời khẳng định đây là thị trường tiềm năng, cần sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ và startup đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam. Ảnh: VGP.
Về dữ liệu hành chính, ông Đồngcho rằng để xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ giao dịch hành chính hiệu quả, cần đảm bảo chất lượng dữ liệu theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống và kết nối được”, đồng thời chú trọng tính toàn diện của hệ thống.
Theo ông, hệ thống dữ liệu hiện nay chưa đồng bộ, thiếu các thành phần quan trọng như dữ liệu chuyên môn, chuyên ngành thực hiện giao dịch (dữ liệu đất đai, hay dữ liệu dân cư), dữ liệu xác thực người dùng, dữ liệu quy trình thủ tục và môi trường giao dịch, dẫn đến việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến còn nhiều trục trặc.
Ông Đồng cũng khuyến nghị cần xác định thứ tự ưu tiên khi triển khai. Thay vì dàn trải hơn 2.000 thủ tục, nên tập trung xây dựng dữ liệu cho khoảng 20 thủ tục hành chính phát sinh nhiều giao dịch nhất, nhằm đảm bảo hiệu quả và giảm áp lực triển khai.
Sau 3 tuần vận hành chính quyền 2 cấp, Hà Nội đã tiếp nhận 66.000 hồ sơ
Tại tọa đàm, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ cho biết từ ngày 1/7, 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 23 tỉnh, thành phố sau sắp xếp, và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã trong trong cả nước đã bước vào mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo ông Tuấn, dù mới đi vào hoạt động được 23 ngày, mô hình này đã ghi nhận những kết quả tích cực ban đầu. Bộ Nội vụ, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chính phủ, đánh giá cao sự vận hành trơn tru, hiệu quả và không gián đoạn trong quá trình chuyển tiếp từ mô hình 3 cấp sang 2 cấp.
Tại cấp xã, hệ thống chính trị đã được tổ chức đồng bộ theo mô hình mới. Đặc biệt, UBND của 3.321 đơn vị cấp xã đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, thành lập các cơ quan chuyên môn, trong đó nổi bật là Trung tâm Phục vụ hành chính công – nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Một điểm sáng đáng chú ý là việc hầu hết các địa phương, đặc biệt ở cấp xã, đã đưa vào vận hành hệ thống dịch vụ công kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Điều này tạo thuận lợi lớn trong việc xử lý thủ tục hành chính, đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Từ thực tiễn tại Hà Nội, ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết 3 yếu tố then chốt giúp thành phố vận hành trơn tru là đồng bộ - dữ liệu - chủ động.
Theo ông Dũng, sau 3 tuần chính thức vận hành, Hà Nội đã tiếp nhận 66.000 hồ sơ để triển khai các thủ tục. Đến thời điểm này, cơ bản bộ máy chính quyền địa phương hai cấp vận hành thông suốt và đồng bộ.

Ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP.
Với quan điểm "không ai bị bỏ lại phía sau", Hà Nội nhận thức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ người dân, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các đối tượng nộp thuế, người già cũng như người khuyết tật, để phục vụ thủ tục hành chính.
Ở cấp cơ sở, Phó chủ tịch phường Cửa Nam Trịnh Ngọc Trâm cho biết phường đã vận hành thử 10 ngày trước 1/7, mô phỏng nhiều tình huống để tập huấn cán bộ.
Nhờ chuẩn bị kỹ, các vướng mắc ban đầu không nhiều. Phường cũng mạnh dạn thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý một số quy trình hành chính. "
"Chúng tôi mong muốn rằng chính quyền cơ sở gần dân, sát dân như một không gian thực sự thân thiện và gần gũi với người dân", bà Trâm nói.