Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ: Bức tranh nông thôn, miền núi tỏa sáng
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi nước ta hiện nay tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là làm sao đưa nhanh được tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống.
Tạo đà cho ứng dụng khoa học - công nghệ
Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 (gọi tắt là Chương trình nông thôn miền núi) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH&CN - cho biết, nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay vẫn thường được biết đến với 5 cái nhất: Điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất.
Vì vậy, chương trình được kỳ vọng tạo đà ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
"Nông thôn, miền núi và vùng dân tộc không thể phát triển nếu không hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập vào sự phát triển chung của cả nước, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng KH&CN, chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi gắn với bảo quản, chế biến, tạo lập thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa" - ông Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.
Đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình nông thôn miền núi, đã có 400 dự án trên 61 tỉnh, thành phố được phê duyệt. Các dự án khi kết thúc dự kiến xây dựng được 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN; chuyển giao 2.126 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Từ góc độ địa phương tham gia chương trình, ông Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - nhận định: Không phát triển KH&CN thì Bắc Giang không tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay. Thực tiễn những năm qua cho thấy, ở đâu có sự sáng tạo trong đổi mới các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, chính sách thì ở đó có sự tiến bộ vượt bậc, có vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. "Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 tỉnh Bắc Giang không ngừng tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Có được kết quả trên nhờ sự đóng góp hiệu quả của nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó nổi bật là tăng cường ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông thôn, miền núi" - ông Lê Ánh Dương nói.
Đại diện hộ nông dân tham gia mô hình dự án ứng dụng KH&CN chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Phú Thọ, ông Đặng Văn Thư - dân tộc Dao - chia sẻ: Nhờ có dự án từ Chương trình nông thôn miền núi, gia đình ông đã thoát nghèo, từ hộ cận nghèo lên hộ có thu nhập trung bình khá. Khi tham gia dự án, ông được tập huấn nâng cao kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, theo phương thức "cầm tay chỉ việc"; các hộ tham gia dự án được hỗ trợ bò, thức ăn… góp phần ổn định kinh tế hộ gia đình, kinh tế vùng miền.
Thông qua việc triển khai Chương trình nông thôn miền núi đã huy động hàng trăm viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng và làm chủ hàng nghìn quy trình kỹ thuật, công nghệ thiết bị tiến tiến vào sản xuất; góp phần tạo ra hàng nghìn việc làm, sản phẩm mới, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.