Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác bảo vệ thực vật
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực trồng trọt, thiên tai, úng, lụt, hạn, mặn xảy ra thường xuyên, đặc biệt là sự tích lũy nguồn dịch hại qua các năm ngày càng lớn làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Trước tình hình trên, hệ thống bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường để nhân rộng đến người dân.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thời vụ gieo cấy và các biện pháp thâm canh trong mỗi vụ sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc BVTV để hạn chế đến mức thấp nhất đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa. Chỉ đạo cán bộ, nhân viên BVTV tích cực bám sát đồng ruộng, sử dụng công cụ, thiết bị chuyên ngành một cách hiệu quả để dự báo chính xác thời gian phát sinh và diện phân bố của từng đối tượng dịch hại lúa qua từng thời kỳ sinh trưởng, góp phần nâng cao hiệu quả của các đợt phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”. Hàng năm, Chi cục đã tiến hành khảo sát, đánh giá hàng trăm loại thuốc BVTV được nhà sản xuất cung ứng để tìm ra bộ thuốc đặc trị cho từng đối tượng dịch hại trên các loại cây trồng theo phương châm góp phần giảm số lần phun thuốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái do hoạt động phòng trừ sâu bệnh. Trong năm 2019, Chi cục đã nghiên cứu, theo dõi quy luật phát sinh loài sâu hại mới xuất hiện tại Việt Nam là sâu keo mùa thu, xuất hiện cục bộ trên cây ngô vụ xuân tại 2 huyện Vụ Bản và Mỹ Lộc. Bước đầu Chi cục đã khảo nghiệm đánh giá được một số loại thuốc như: Clever 150SC, Prevathon5SC, Takumi 20WG... có hiệu quả cao trong phòng trừ đối tượng sâu hại này, giúp công tác chỉ đạo phòng trừ sâu keo mùa thu trên địa bàn tỉnh kịp thời hiệu quả. Ngoài ra, Chi cục còn thực hiện các mô hình nghiên cứu thuốc trừ rầy thế hệ mới DUPONTTM PEXENATM 106SC tại các xã Hải Quang (Hải Hậu) và Xuân Phương (Xuân Trường); nghiên cứu chuyên sâu về rầy và bệnh lùn sọc đen tại xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). Các chuyên đề nghiên cứu quy luật phát sinh các đối tượng dịch hại chính trên lúa và đánh giá hiệu lực của một số loại thuốc BVTV có hiệu quả cao đã bổ sung vào bộ thuốc chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh tại tỉnh cũng như loại bỏ một số loại thuốc hiệu quả kém, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái. Trước đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV còn phối hợp với các Công ty thuốc BVTV xây dựng nhiều mô hình trình diễn các tiến bộ kỹ thuật như: quy trình canh tác lúa “3 giảm - 3 tăng”; “quản lý dịch hại tổng hợp - IPM”; hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)… Qua các mô hình đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nông dân trong sản xuất lúa theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân, giúp nông dân biết cách nghiên cứu đồng ruộng, tiếp cận với phương pháp quản lý dịch hại và có ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc BVTV đảm bảo “4 đúng”.
Hiện nay, hầu hết nông dân đã sử dụng bình phun thuốc BVTV bằng động cơ thay cho bình phun thủ công, vừa đỡ tốn công phun thuốc, đồng thời tạo những giọt thuốc mịn và trải đều làm gia tăng hiệu quả sử dụng thuốc, an toàn đối với người phun. Đặc biệt trong năm qua, một số đơn vị, doanh nghiệp như: Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Trực Ninh, Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) đã ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV trên các cánh đồng lớn. Thực tế cho thấy, sử dụng máy bay vào khâu phun thuốc BVTV năng suất lao động cao hơn từ 50-60 lần so với phun thủ công, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng trừ sâu bệnh. Không những vậy, khi sử dụng máy bay phun thuốc BVTV, thuốc pha và phun được lập trình trên máy nên chất lượng, liều lượng thuốc cũng được đảm bảo. Việc sử dụng hệ thống vòi phun ly tâm kết hợp lực gió đẩy xuống của thiết bị bay đảm bảo thuốc BVTV bám đều lên 2 mặt của lá giúp cây hấp thụ tốt, thuốc không kết thành hạt rơi xuống đất gây hại môi trường. Trong 5 năm qua, mỗi năm tỉnh thực hiện được hàng chục mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, 7-10 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản. Việc xây dựng thành công các mô hình trồng rau an toàn đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của nông dân về “sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch”, hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh việc ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện mô hình thu gom và xử lý vỏ, bao bì thuốc BVTV nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân các địa phương. Nhận thức của cộng đồng và người sản xuất trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe lao động được nâng cao, từ đó chủ động thực hiện, đặc biệt trong việc đầu tư xây dựng bể chứa thu gom bao bì thuốc BVTV tại đồng ruộng. Từ nguồn kinh phí do tỉnh hỗ trợ và kinh phí xã hội hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, các địa phương đã xây dựng được gần 20 nghìn bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Năm 2019, hơn 84 tấn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom. Toàn bộ lượng bao bì thuốc BVTV này đã được UBND các xã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý với các doanh nghiệp chuyên ngành góp phần đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng và hạn chế tình trạng tồn dư thuốc BVTV trong bao bì đã qua sử dụng gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường.
Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác BVTV, thời gian tới, hệ thống BVTV tỉnh tăng cường các hoạt động quản lý dịch hại tổng hợp, lấy quản lý dinh dưỡng làm trọng tâm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do sâu bệnh gây ra cho lúa và các loại cây trồng khác. Đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất “nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn” trên nguyên tắc thân thiện, bền vững với môi trường, bảo vệ an toàn về diện tích, năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng các loại cây trồng./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh