Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám chữa bệnh: Cơ hội, thách thức và xu hướng trong tương lai

Trong thời đại công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần thay đổi diện mạo của ngành y tế, từ việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh, quản lý hồ sơ bệnh án đến cá nhân hóa điều trị và dự đoán nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

AI không chỉ giúp cải thiện chất lượng chăm sóc y tế mà còn tạo ra nhiều cơ hội để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, nhanh hơn và chính xác hơn.

Tại Việt Nam, AI được ứng dụng rộng rãi trong các bệnh viện lớn để hỗ trợ phân tích hình ảnh y tế, giúp bác sĩ nhận diện sớm các dấu hiệu của bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và bệnh phổi. AI cũng hỗ trợ quản lý hồ sơ bệnh án, tự động hóa quy trình lưu trữ, truy xuất thông tin, giảm thiểu lỗi trong xử lý dữ liệu và nâng cao hiệu quả làm việc.

Theo TTND.GS.TS Lê Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y học, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội:

"Nếu chúng ta tận dụng được AI trong khám chữa bệnh sẽ mang đến nhiều lợi ích.

Thứ nhất, AI sẽ hỗ trợ quản trị bệnh viện tinh gọn hơn, đặc biệt đối với quản lý hồ sơ, bệnh án điện tử. Khi hạ tầng công nghệ thông tin tốt, các nhân viên y tế được đào tạo bài bản về sử dụng AI thì quản trị bệnh viện sẽ tinh gọn hơn, giảm tải áp lực cho các y bác sĩ.

Thứ hai, trong chẩn đoán nói chung, AI có thể tập hợp số liệu rất lớn, mang đến độ chính xác cao hơn. Vì vậy, việc đưa AI vào bệnh viện sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các bác sĩ".

Trong tương lai, AI sẽ không ngừng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong lĩnh vực y tế. Một số xu hướng nổi bật trong thời gian tới bao gồm:

- Tích hợp AI với dữ liệu lớn (Big Data): Dữ liệu y tế ngày càng được số hóa và lưu trữ trên các nền tảng trực tuyến. AI có thể kết hợp với dữ liệu lớn để phân tích và khai thác thông tin quan trọng từ hồ sơ y tế, giúp đưa ra các chẩn đoán và khuyến nghị điều trị chính xác hơn.

- Hệ thống hỗ trợ ra quyết định tự động: AI có thể cung cấp các gợi ý chẩn đoán và điều trị trong thời gian thực, dựa trên việc phân tích hồ sơ y tế và thông tin của từng bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ trong các quyết định y khoa.

- Bệnh viện thông minh: Các bệnh viện sẽ được tự động hóa một phần nhờ vào AI, từ lưu trữ thông tin, phân luồng bệnh nhân, cho đến hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán. Mô hình này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho người bệnh.

Tầm nhìn ứng dụng AI trong y tế trong tương lai

Trong tương lai, ngành y tế hướng tới xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, nơi AI không chỉ hỗ trợ mà còn tối ưu hóa toàn bộ quy trình khám chữa bệnh. AI sẽ giúp giảm thiểu thời gian chẩn đoán và điều trị, từ đó giảm chi phí, giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng và chính xác.

AI cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cá thể hóa dịch vụ y tế, đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp dựa trên đặc điểm riêng của từng cá nhân. Nhờ đó, người bệnh sẽ có trải nghiệm chăm sóc y tế toàn diện, với các liệu trình điều trị an toàn và hiệu quả.

AI và robot sẽ là công cụ bổ trợ hiệu quả cho các phẫu thuật viên và nhân viên y tế, giúp họ làm việc chính xác hơn và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, vai trò của bác sĩ và phẫu thuật viên vẫn không thể thiếu trong tương lai.

Đánh giá về khả năng thay thế con người của AI, GS.TS Lê Ngọc Thành nhận định: "Có thể sau này, người ta sẽ nghiên cứu để đưa thêm yếu tố cảm xúc vào cho AI, nhưng hiện tại, AI vẫn chưa thể thay thế được con người. Tuy nhiên, nếu có AI và robot, độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị sẽ cao hơn, giảm tải các công việc phụ cho các bác sĩ".

Tuy nhiên, Ứng dụng AI vào y tế đang đối mặt với một số khó khăn như:

- Dữ liệu chất lượng cao và bảo mật: Để AI hoạt động hiệu quả, cần có dữ liệu chất lượng cao, đồng bộ, và đảm bảo an toàn, đặc biệt đối với thông tin nhạy cảm về sức khỏe của bệnh nhân.

- Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng sử dụng AI: Nhu cầu về nhân lực y tế có kỹ năng về công nghệ và khả năng sử dụng AI là rất lớn, nhưng hiện nay chưa đáp ứng đủ.

- Chi phí triển khai cao: Việc đầu tư cho AI đòi hỏi kinh phí lớn về hạ tầng và thiết bị, gây khó khăn cho nhiều cơ sở y tế trong nước.

Mặc dù còn nhiều thách thức, AI mở ra nhiều cơ hội trong chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh và hỗ trợ các bác sĩ khám phá những phương pháp điều trị mới, tăng khả năng ứng phó với các bệnh lý phức tạp.

GS.TS Lê Ngọc Thành kỳ vọng: "Sự ra đời của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia là cơ hội rất tốt để các nhà khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tham gia một cách chính thống và bài bản vào lĩnh vực AI. Từ đó, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu chính thống của các cơ sở y tế trên cả nước. Việc tập trung được cơ sở dữ liệu bảo mật, minh bạch sẽ giảm tải được rất nhiều cho các y bác sĩ".

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình khám chữa bệnh, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận cho người dân. Tuy AI có thể hỗ trợ nhiều mặt trong lĩnh vực y tế, nhưng vai trò của con người vẫn không thể thay thế, đặc biệt là trong việc chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh.

Tương lai của AI trong y tế hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cải tiến đáng kể, giúp mọi người dân đều được chăm sóc tốt hơn và nhanh chóng hơn.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-trong-kham-chua-benh-co-hoi-thach-thuc-va-xu-huong-trong-tuong-lai-169250220153703507.htm