Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng chất lượng khám chữa bệnh
Ứng dụng công nghệ cao cùng với các kỹ thuật hiện đại trong y khoa là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành y tế. Chẳng hạn, trong lĩnh vực phẫu thuật chỉnh hình, AI đang mang lại những tiến bộ vượt bậc, giúp các y, bác sỹ thực hiện những kỹ thuật khó, làm giảm thời gian điều trị và nằm viện cho bệnh nhân.
PGS-TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, nhiều máy móc thiết bị hiện đại như hệ thống cộng hưởng từ 3.0, hệ thống cắt lớp 512 lát cắt, đặc biệt là ứng dụng AI phát hiện sớm tổn thương xương khớp. Với điều trị, các phẫu thuật viên có sự hỗ trợ đắc lực của những hệ thống như robot hay định vị giúp phẫu thuật có độ chính xác cao.
Ngoài ra, các kỹ thuật khác như phẫu thuật ít xâm lấn, nội soi khớp (đặc biệt là khớp nhỏ), nội soi cột sống, kết hợp xương, phẫu thuật cột sống không còn đường mổ lớn… giúp người bệnh ít đau đớn, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nhanh chóng bình phục.
Cũng theo ông Khánh, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, robot trong phẫu thuật cột sống, thay khớp gối đã được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả tối ưu cho thầy thuốc và bệnh nhân. Cụ thể, trước khi phẫu thuật, các thầy thuốc có thiết kế, dựng khuôn hình tổn thương bằng phim chụp cắt lớp, sau đó nhập dữ liệu đó vào máy tính.
Hệ thống máy tính sẽ phân tích xem kích cỡ, mức độ hay độ sâu tổn thương, từ đó đưa ra gợi ý về độ nông - sâu, dày - mỏng của lát cắt, rồi thiết kế trên hệ thống robot. Sau đó, các dữ liệu được cài hệ thống chương trình, cánh tay robot cho phép thầy thuốc cắt đúng kích thước mong muốn, đúng kích cỡ tổn thương của người bệnh.
Ngoài ra, AI cũng giúp cá thể hóa việc điều trị cho từng bệnh nhân. Ví dụ trong thay khớp, AI hỗ trợ bác sỹ tính toán, thiết kế đặc thù cho mỗi người bệnh với chiều cao, độ tuổi, giới tính, tổn thương riêng biệt… Tổn thương được dựng hình lên trước, đưa dữ liệu vào máy tính, với mô hình được tính toán giúp bác sỹ đánh giá nhanh tổn thương.
“Với những tổn thương phức tạp như gãy xương chậu hay vỡ xương ổ cối, AI giúp thầy thuốc có thể dựa trên phim cắt lớp để dựng hình 3 chiều, giúp bác sỹ đánh giá mức độ tổn thương, lựa chọn đường vào, lựa chọn vật liệu dự kiến cố định. Điều này giúp việc phẫu thuật đạt độ chính xác, lợi ích cuối cùng là giúp người bệnh phục hồi nhanh nhất có thể”, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức thông tin thêm.
Cũng liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, các thầy thuốc tại Bệnh viện Việt Đức đã nghiên cứu ứng dụng AI giúp phát hiện sớm ung thư xương tiềm ẩn hoặc tổn thương dây chằng, tổn thương không đặc hiệu...
Còn tại Trung tâm Khoa học thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, theo bác sỹ Chu Tấn Sỹ, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, cơ sở đang áp dụng robot mổ não Modus V Synaptive. Đây là ứng dụng AI duy nhất Việt Nam trong phẫu thuật các bệnh lý thần kinh - sọ não - cột sống.
Với công nghệ này, chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Tâm Anh đã phẫu thuật thành công cho khoảng 90 ca bệnh u não, u cột sống, đột quỵ xuất huyết não… bằng robot Modus V Synaptive.
Về ứng dụng AI vào việc chẩn đoán và tiên lượng bệnh lý loãng xương, theo GS. Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Viện nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), đơn vị này đã phát triển một thuật toán dựa vào mô thức thông minh nhân tạo để tự động chẩn đoán gãy xương đốt sống, được gọi là mô hình ‘Shape-Based Algorithm’ (SBA). Khi so sánh với chẩn đoán của bác sỹ, phương pháp SBA đạt độ chính xác 92-98%. Do đó, phương pháp SBA có thể giúp bác sỹ và bệnh viện tầm soát gãy xương đốt sống ở quy mô lớn.
Không chỉ phục vụ quá trình điều trị, mà việc ứng dụng công nghệ cao trong y tế còn giúp quá trình nghiên cứu, chẩn đoán bệnh nhanh, rút ngắn thời gian. Tại Diễn đàn Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khỏe do Bộ Y tế tổ chức vừa qua, PGS-TS. Nguyễn Thị Trang, giảng viên cao cấp Trường đại học Y Hà Nội, Phó tổng thư ký Hội Di truyền y học Việt Nam thông tin về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc và chẩn đoán các bệnh liên quan tới gene như Thalassamia, hội chứng Down, 5 bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam.
Bà Trang cho biết, với sự phát triển của khoa học máy tính dữ liệu lớn, nhiều ứng dụng học máy và AI được đưa vào lĩnh vực y tế như ứng dụng AI trong y học cá thể. Đây là vấn đề nghiên cứu nóng, cung cấp dịch vụ tốt hơn dựa trên dữ liệu sức khỏe cá nhân với phân tích dự đoán. Các công cụ tính toán và thống kê học máy được sử dụng phát triển hệ thống điều trị cá nhân hóa dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân và thông tin di truyền học.
Về công nghệ gene, chuyên gia Đại học Y Hà Nội đưa ra mục tiêu phát triển phần mềm AI ứng dụng sàng lọc trước sinh nguy cơ mắc bệnh bất thường bẩm sinh hay gặp tại Việt Nam như sàng lọc người mang gene Thalassemia, xây dựng mô hình học máy tự động đo khoảng sáng sau gáy…
Có thể nói, ứng dụng AI mang lại lợi ích lớn trong y tế, giúp công tác khám chữa bệnh hiệu quả hơn rất nhiều.