Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ thanh niên khuyết tật

Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam đang phối hợp với các chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Việt Nam để đào tạo, nghiên cứu và triển khai các dự án ứng dụng AI để hỗ trợ thanh niên khuyết tật về hỗ trợ học tập, giao tiếp, di chuyển và sáng tạo nội dung số.

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam tổ chức chương trình kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật (3/12).

Chương trình kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật (3/12). Ảnh: Xuân Tùng

Chương trình kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật (3/12). Ảnh: Xuân Tùng

Dự chương trình có anh Nguyễn Tường Lâm – Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Hữu Tú – Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; anh Phạm Văn Thành – Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam.

 Anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam tặng lẵng hoa chúc mừng Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam tặng lẵng hoa chúc mừng Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam. Ảnh: Xuân Tùng

Phát biểu tại chương trình, anh Phạm Văn Thành – Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam cho biết, trong chương trình kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật, Hội đưa nội dung thanh niên khuyết tật Việt Nam “kết nối và sáng tạo”, nhằm tăng cường sự tham gia của thanh niên khuyết tật trong kỷ nguyên số.

Theo anh Thành, với những tiến bộ vượt bậc của AI, thanh niên khuyết tật có cơ hội tiếp cận và tận dụng những công cụ này để vượt qua những rào cản, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam đang phối hợp với các chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Việt Nam để đào tạo, nghiên cứu và triển khai các dự án ứng dụng AI để hỗ trợ cho thanh niên khuyết tật.

Trong đó, có thể sử dụng AI để hỗ trợ học tập, giúp người khuyết tật tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn; giao tiếp hiệu quả hơn, vượt qua rào cản ngôn ngữ và khoảng cách địa lý; các thiết bị hỗ trợ di chuyển thông minh tích hợp AI có thể giúp người khuyết tật di chuyển độc lập và an toàn hơn; sáng tạo nội dung số trên môi trường Internet.

“Sự phát triển không ngừng của công nghệ, AI sẽ mở ra những cơ hội mới, giúp thanh niên khuyết tật chúng ta sống một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa hơn đồng thời khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho xã hội nói chung cũng như cộng đồng người khuyết tật”, anh Thành nói.

 Anh Phạm Văn Thành phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Phạm Văn Thành phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Tại chương trình, Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam tổ chức giới thiệu bộ môn thể thao điện tử đến với cộng đồng người khuyết tật và tổ chức giải đấu thể thao điện tử Liên Quân Mobile.

Theo Ban Tổ chức, giải đấu là tiền đề để xây dựng phong trào thể thao điện tử cho người khuyết tật, cung cấp nguồn vận động viên tham gia thi đấu Para eSports tại Paragames 2025 ở Thái Lan. Thể thao điện tử cũng sẽ mở ra triển vọng về cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên khuyết tật như: sáng tạo nội dung, streamer, bình luận viên, biên tập video, lập trình viên.

Cũng tại chương trình, ông Lê Công Thành - Chuyên gia công nghệ AI đã chia sẻ về tiềm năng sáng tạo nội dung số của thanh niên khuyết tật thông qua trí tuệ nhân tạo; ông Bùi Anh Tuấn - Tổng giám đốc công ty OEG thông tin về khởi động chương trình Para eSports 2025.

Tiềm năng sáng tạo nội dung số của thanh niên khuyết tật thông qua trí tuệ nhân tạo được chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Tiềm năng sáng tạo nội dung số của thanh niên khuyết tật thông qua trí tuệ nhân tạo được chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-ho-tro-thanh-nien-khuyet-tat-post1696696.tpo