Hà Nội có gần 100 triệu hành khách đã trải nghiệm đi xe buýt điện
Các tuyến xe buýt điện của thành phố Hà Nội được đưa vào vận hành khai thác đã thu hút đông đảo người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại, góp phần giảm xe cá nhân và ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội, sau 3 năm vận hành, các tuyến xe buýt điện của thành phố đã vận chuyển gần 100 triệu hành khách.
Cụ thể, cuối năm 2021, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội đưa vào hoạt động 3 tuyến xe buýt điện, giai đoạn 2022 đưa vào hoạt động 6 tuyến và cuối năm 2023 có thêm một tuyến. Đến nay, thành phố Hà Nội có 10 tuyến xe buýt điện hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus.
Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội) cho biết trên những chuyến xe buýt điện là nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Trong đó, 80-5% người đi lại bằng vé tháng thường xuyên của VinBus là công chức viên chức, người làm văn phòng - nhóm mà trước đây ít khi di chuyển bằng xe buýt chỉ với 25-30%.
“Chất lượng dịch vụ, tác phong phục vụ của nhân viên bán vé của các tuyến buýt điện ngày càng nâng cao. Những nhân viên này được đào tạo và hướng dẫn để luôn nói lời xin chào khi gặp hành khách lên xe và cảm ơn khi khách xuống xe, trở thành một mô hình điểm về phát triển vận tải hành khách giao thông công cộng,” ông Tiến đánh giá.
Ngoài ra, hành khách trải nghiệm xe buýt điện không có tiếng ồn, mùi dầu mỡ, xe buýt điện không phát thải như các phương tiện dầu diesel. Theo thống kê, vào các giờ cao điểm sản lượng hành khách vượt quá năng lực phục vụ tại một số tuyến, nổi bật là tuyến E02 (Hào Nam-Khu đô thị Ocean Park) có kết nối đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Theo ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus, trước kia, người đi xe buýt chủ yếu là học sinh, sinh viên, đối tượng có thu nhập thấp nhưng ngày nay, đối tượng này đã khác.
"Nhiều người đi xe buýt cũng đang suy nghĩ chuyến đi của mình đóng góp cho cộng đồng, giảm phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm và đây là tệp khách hàng cần hướng tới," ông Nhật nhấn mạnh.
Thống kê trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện tại có hơn 2.000 xe buýt được trợ giá đang hoạt động, nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe buýt điện.
Tại Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đưa ra lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố đạt 100% vào năm 2035.
Theo đó, giai đoạn 2026-2035, thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe. Trong đó, năm 2025, thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỷ lệ 5%); giai đoạn 2026-2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).
Từ đầu năm 2025, các đơn vị vận tải đang triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.
Trong năm 2025 sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diesel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Từ năm 2026, thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo thời gian sử dụng phương tiện thực tế trên từng tuyến./.