Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp

Triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm gần đây, các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) của tỉnh đã và đang tích cực đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào phục vụ công tác điều hành, quản lý, hỗ trợ công tác chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị hành chính, cửa khẩu... Qua đó góp phần nâng cao hiệu suất công việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo, nhân viên Sở Thông tin và Truyền thông bàn giải pháp huấn luyện Trợ lý ảo công chức số Xứ Lạng

Lãnh đạo, nhân viên Sở Thông tin và Truyền thông bàn giải pháp huấn luyện Trợ lý ảo công chức số Xứ Lạng

Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu về trí tuệ nhân tạo đến năm 2025 là: 100% cơ quan nhà nước có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động; mỗi cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước có ít nhất một trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức trong môi trường làm việc; 100% người dân và doanh nghiệp được trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; nền tảng cửa khẩu số phải ứng dụng các công nghệ số hiện đại như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Bigdata), AI.

Ngay sau khi Nghị quyết số 49 được ban hành, năm 2022, Sở TT&TT chủ động phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông nghiên cứu, xây dựng giải pháp ứng dụng AI vào hoạt động tại các cơ quan, đơn vị. Theo đó, trong năm 2022, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh (IOC) nền tảng trợ lý ảo (Chatbot) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính và nền tảng cửa khẩu số đã được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh. Trên các nền tảng này, AI được ứng dụng để phân tích các dữ liệu, xây dựng bảng biểu, đưa ra dự báo; giải đáp thắc mắc về thủ tục hành chính; hỗ trợ lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu giám sát người xuất nhập cảnh, phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu. Từ năm 2023 đến nay, AI tiếp tục được đưa vào nhiều nền tảng số để hỗ trợ hoạt động tại các cơ quan, đơn vị và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Trần Hữu Giang, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Trên địa bàn tỉnh, AI tập trung vào tự động hóa quy trình và giảm tải thủ tục hành chính, phân tích dữ liệu lớn (bigdata) để hỗ trợ ra quyết định, cải thiện trải nghiệm dịch vụ hành chính cho người dân, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 hệ thống, nền tảng được ứng dụng AI để phân tích, tổng hợp phục vụ công tác thống kê, báo cáo và chỉ đạo điều hành như: kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh (IOC); nền tảng cửa khẩu số; cổng khai thác dữ liệu chuyển đổi số…

Thực tiễn đòi hỏi việc ứng dụng AI vào hoạt động song vẫn phải đảm bảo tính chính xác, hiệu quả. Chính vì vậy, Sở TT&TT đã phối hợp với các chuyên gia công nghệ vừa xây dựng vừa chỉnh sửa, cải tiến, nâng cấp các tính năng, đưa ra các tình huống để huấn luyện, nâng cao hiệu quả hoạt động của AI.

Cùng với đó, Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhập dữ liệu là các luật, nghị định, thông tư; văn bản điều hành, báo cáo, hồ sơ thủ tục hành chính… cho các hệ thống, nền tảng số nhằm cung cấp thông tin có giá trị cho AI hoạt động. Dựa trên những dữ liệu đầu vào này, AI sẽ liên tục cập nhật và phân tích khi có các yêu cầu của người dùng.

Các hệ thống, nền tảng ứng dụng AI triển khai trên địa bàn tỉnh đều được phát triển, xây dựng dựa trên công nghệ hiện đại với dữ liệu lớn (big data), công nghệ điện toán đám mây (cloud), chuỗi khối (blockchain), internet vạn vật (IOT)… Từ đó AI có thể xử lý được cùng lúc một lượng lớn dữ liệu với tốc độ cao và đưa ra dự đoán chính xác. Thông qua các công cụ phân tích dữ liệu, AI có thể lấy những dữ liệu được tạo ra hằng ngày và nhanh chóng biến nó thành thông tin có ý nghĩa. Bên cạnh đó, AI còn có khả năng dự báo xu hướng và rủi ro tiềm ẩn trong các lĩnh vực, từ đó giúp cơ quan quản lý đưa ra quyết định điều hành kịp thời, hiệu quả.

“Trong thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn có bước phát triển mạnh mẽ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong cửa khẩu số, chính quyền số cũng như nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội và đạt được những kết quả tích cực. Chúng tôi thấy rằng, bên cạnh các lĩnh vực khác, tỉnh có thể đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển du lịch, quảng bá những giá trị văn hóa, bản sắc địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát triển du lịch cũng là một lĩnh vực giúp tỉnh phát triển bền vững”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, Phó Viện Trưởng Viện Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ tốt nhu cầu của người dân

Tiêu biểu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ công việc là nền tảng trợ lý ảo công chức số Xứ Lạng do Sở TT&TT triển khai xây dựng riêng cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Nền tảng này đang được thí điểm tại Sở TT&TT và mở rộng sang Sở Xây dựng, Sở Y tế để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tra cứu thông tin, soạn thảo văn bảo và quản lý dữ liệu. Trợ lý ảo có thể đưa ra kết quả tìm kiếm chính xác đến 98,8% nội dung tìm kiếm. Được đưa vào triển khai trong năm 2024, đến nay nền tảng trợ lý ảo đã có 2.338 tài khoản đăng ký với trên 50.000 lượt truy cập (sử dụng); số văn bản quy phạm pháp luật đã cập nhật trên trợ lý ảo là: 255 luật, 777 nghị định, 1.540 thông tư, 3.170 văn bản điều hành.

Chị Phạm Thị Thảo, chuyên viên Phòng Hạ tầng số, Sở TT&TT chia sẻ: Để làm công tác thống kê, báo cáo hay tham mưu, tôi cần nghiên cứu cùng lúc rất nhiều tài liệu. Không gian lưu trữ của cá nhân có hạn và nhiều khi chưa khoa học nên công tác tra cứu gặp không ít khó khăn. Nhờ trợ lý ảo công chức số Xứ Lạng, tôi có thể tìm tất cả các văn bản, biểu thống kê, báo cáo chính thống của tỉnh, của ngành. Để phục vụ nhiệm vụ riêng biệt của cá nhân, tôi còn huấn luyện trợ lý ảo làm một số báo cáo. Khi cần, tôi chỉ cần nhập các dữ liệu, bảng biểu, mẫu báo cáo, trợ lý ảo sẽ trả cho tôi kết quả là một bản báo cáo với đầy đủ các chương mục, dự báo, phân tích… tôi chỉ cần kiểm tra, chỉnh sửa lại cho chính xác. Nhờ đó, tiến độ cũng như hiệu suất công việc được tăng lên đáng kể.

Để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, Nền tảng trợ lý ảo (Chatbot) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đã được triển khai và mang lại những hiệu quả thiết thực. Khi có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, người dân đều có thể đưa ra câu hỏi mọi lúc, mọi nơi, ngay lập tức trợ lý ảo sẽ đưa ra câu trả lời. Từ khi triển khai đến nay, trợ lý ảo đã hỗ trợ trên 500.000 lượt hỏi - trả lời với độ chính xác lên đến 98%...

Ông Lý Văn Khôi, xã Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Tôi đang có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 200 m2 đất vườn thành đất ở nông thôn nhưng còn thắc mắc về thủ tục hành chính. Trước đây, khi làm những thủ tục này tôi cảm thấy rất ngại vì cán bộ xã có tư vấn, hướng dẫn nhưng nhiều loại giấy tờ, thủ tục tôi không thể nhớ hết ngay được, hỏi đi, hỏi lại thì bất tiện, nay nhờ có trợ lý ảo hành chính công, tôi có thể nghiên cứu trước các bước thực hiện thủ tục ở nhà, rồi chuẩn bị trước giấy tờ, khi không nhớ hoặc không hiểu tôi có thể hỏi lại AI bất cứ lúc nào rất đơn giản, thuận tiện. Nhờ có trợ lý ảo hành chính công (Chatbot) tôi có thể nắm được những thông tin rất cụ thể như: cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cách thức thực hiện thủ tục; trình tự thực hiện; thời hạn giải quyết; thành phần hồ sơ; yêu cầu, điều kiện để chuyển mục đích sử dụng đất thậm chí Trợ lý ảo còn cung cấp cho tôi các mẫu hồ sơ để thực hiện thủ tục.

Ngoài những nền tảng, ứng dụng lớn của tỉnh có ứng dụng AI, nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động ứng dụng AI trong giải quyết công việc như: trong ngành giáo dục, AI được ứng dụng để thiết kế bài giảng, đánh giá năng lực học sinh, xây dựng ngân hàng câu hỏi; trong ngành tài nguyên và môi trường, AI được sử dụng để phân tích dữ liệu không gian, đo đạc, xây dựng biểu đồ; trong ngành TT&TT, AI được ứng dụng để đọc các bản tin, thiết kế ấn phẩm truyền thông…

Với khả năng xử lý khối lượng lớn công việc, dữ liệu cũng như có thể đưa ra những phân tích và dự đoán chính xác, trí tuệ nhân tạo đang góp phần làm giảm sức lao động nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ tốt các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới, cơ quan chủ công trong chuyển đổi số là Sở TT&TT sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng viễn thông 5G, các dịch vụ điện toán đám mây, hạ tầng dữ liệu; nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, triển khai các nền tảng dữ liệu dùng chung để làm cơ sở thúc đẩy triển khai ứng dụng AI có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội nhất là cảnh báo thiện tai và các biến đổi môi trường...

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-phuc-vu-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-5029811.html