Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí - nhà báo phải làm chủ công nghệ số
Vừa qua, hội thảo
Vừa qua, hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức đã nêu bật nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến thách thức và cơ hội của báo chí trong giai đoạn chuyển đổi số. Các chuyên gia đã thống nhất nhận định: Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những bước đột phá lớn ở lĩnh vực truyền thông, báo chí Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng, nhà báo phải làm chủ công nghệ số để biến AI thành công cụ gia tăng sức mạnh. Từ đó, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của báo chí, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả hiện đại.

Các đại biểu tham dự hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh” trải nghiệm không gian ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn thông minh. Ảnh do Ban Tổ chức hội thảo cung cấp.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị khẳng định: Chuyển đổi số báo chí trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thông tin cạnh tranh hiện nay, nội dung hay vẫn chưa đủ, mà cần phải tạo ra những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Hiện nay, tại Việt Nam, các cơ quan báo chí tiên phong đang nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn thông minh và sản xuất nội dung. Trong đó, Báo Kinh tế & Đô thị đã xây dựng được một hệ sinh thái số giúp vận hành hiệu quả 2 tờ báo in, 1 báo điện tử và 6 chuyên trang trực thuộc. Thông qua ứng dụng AI, Báo Kinh tế & Đô thị đã thay đổi cách thức làm việc, vận hành hệ thống tòa soạn hội tụ để sản xuất và xuất bản tin, bài cho cả báo in và điện tử trên cùng một CMS; đồng thời sản xuất các tác phẩm báo chí hiện đại như: Infographic, Emagazine, Longform và ứng dụng AI trong tác nghiệp báo chí.
Cung cấp những thông tin đáng chú ý về ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn thông minh cũng như trong tác nghiệp của nhà báo thời đại 4.0, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Trưởng Ban Điện tử, Báo Nhân dân nhấn mạnh: Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của AI, chúng ta đã có những trợ lý AI với khả năng vận hành toàn diện một quy trình sản xuất tin tức mà không cần sự tham gia trực tiếp của nhân sự. Ví dụ, một hệ thống trợ lý AI có thể tự động viết bài, tìm kiếm hình ảnh minh họa, rồi đăng bài lên hệ thống một cách hoàn chỉnh. Điều này đã được kiểm chứng thực tế tại phòng nghiên cứu của một số cơ quan báo chí, với năng lực tạo ra hàng trăm bài viết mỗi ngày. Dĩ nhiên, hiệu quả và số lượng sản phẩm đầu ra còn phụ thuộc vào việc đầu tư các yếu tố công nghệ như tốc độ xử lý, công suất hạ tầng và chi phí sử dụng các mô hình AI. Trên thị trường cũng đã xuất hiện một số doanh nghiệp cung cấp các giải pháp tự động hóa cho báo chí với mức giá cạnh tranh, từ hàng chục triệu đồng mỗi tháng đến những gói giải pháp tổng thể lên đến hàng tỷ đồng tùy mức độ tích hợp kỹ thuật và quy mô vận hành. Xu hướng này khiến nguy cơ thay thế lao động truyền thống trong ngành báo chí ngày càng rõ nét, đặc biệt khi các nhà phát triển AI liên tục cập nhật, bổ sung tính năng mới cho các hệ thống.
Khi công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực trong đó có truyền thông, các cơ quan báo chí tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển như: nguy cơ bị tấn công mạng, tác động bởi tin tức giả trên mạng xã hội, xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin ngày càng cao, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí đa phương tiện tạo ra sự cạnh tranh gay gắt đối với hoạt động của báo chí truyền thống… Đặc biệt, xu hướng hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện ngày càng trở nên phổ biến cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, biến AI thành công cụ đắc lực để gia tăng sức mạnh, tiếp tục khẳng định vị thế trong giai đoạn phát triển mới.
Khẳng định xu hướng tất yếu cần ứng dụng AI trong hoạt động báo chí, các chuyên gia cho rằng: Các tòa soạn báo chí hiện đại có thể tích hợp AI vào các công đoạn như: tự động hóa quy trình sản xuất nội dung, tăng tốc độ đưa tin, tùy biến nội dung theo người đọc, phát hiện tin giả... Còn trong tác nghiệp cá nhân của nhà báo, có thể sử dụng AI để viết tin ngắn, phân tích báo cáo tài chính, khai thác dữ liệu mạng xã hội, phân tích hành vi đọc của độc giả để sản xuất tác phẩm báo chí phù hợp, biến bài viết thành podcast bằng AI giọng nói nhân tạo… Như vậy, việc ứng dụng AI không chỉ thay đổi cách thức làm báo mà còn hỗ trợ tương đối thuận tiện cho nhà báo tác nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí hiện đại.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong báo chí rất cần sự giám sát chặt chẽ của con người. AI không thể thay thế vai trò dẫn dắt, sáng tạo và kiểm duyệt chuyên môn của nhà báo. Theo đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, công nghệ số và AI đang tạo ra làn sóng thay đổi trong báo chí hiện đại, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, chúng ta cũng cần quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp trong thời đại số. Nhà báo thời đại 4.0 phải làm chủ được công nghệ số để sử dụng hiệu quả công cụ AI, quyết định cách thức vận hành, kiểm soát và định hướng AI. Nếu biết tận dụng hợp lý, kết hợp tinh thần đổi mới sáng tạo, báo chí Việt Nam hoàn toàn có thể thích ứng linh hoạt và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại 4.0.