Ứng dụng truy xuất nguồn gốc với sản phẩm cam ở Bắc Trung Bộ
Từ 8-9/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững tại vùng Bắc Trung Bộ.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện nay các tỉnh Bắc Trung Bộ tập trung tái cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây có múi, đem lại hiệu quả cao.
Diễn đàn lần này chia sẻ với các tỉnh về việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong liên kết tiêu thụ sản phẩm cam, xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn quả, từng vùng, miền. Cùng với đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ chủ động tái cơ cấu phát triển, trồng cây ăn quả, từ cây ngắn ngày sang phát triển trồng cây dài ngày và cây hàng hóa, đặc biệt là cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại diễn đàn, đại biểu các tỉnh Bắc Trung Bộ đã đưa ra các giải pháp phát triển cây ăn quả, cây có múi; trong đó có cây cam. Đại biểu và người trồng cây ăn quả các tỉnh Bắc Trung Bộ nhấn mạnh việc tăng trưởng về diện tích, sản phẩm, chất lượng nhưng phải đảm bảo độ an toàn. Các giải pháp về liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ hàng năm diễn ra thiên tai mưa lũ, hạn hán cùng với đó là dịch bệnh trên cây trồng nên ảnh hưởng rất lớn đến phát triển trồng cây có múi của người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu đã tham luận đến vấn đề chăm bón, kỹ thuật trồng đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động phòng trừ sâu, bệnh và sản xuất một cách bền vững, hiệu quả.
Ông Cao Văn Chí, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả) đã thông tin về các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cam theo hướng bền vững. Các kỹ thuật về phòng chống sâu, bệnh như sản xuất giống bằng phương pháp ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây sạch bệnh, sản xuất các giống sạch bệnh trong nhà lưới; phổ biến kỹ thuật cây dùng làm gốc ghép. Bên cạnh đó việc lựa chọn vùng đất trồng cây ăn quả có múi và những biện pháp hỗ trợ cây cam ra hoa, đậu quả tốt.
Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã đưa ra thực trạng, giải pháp sản xuất cam gắn với liên kết tiêu thụ, tập trung tổ chức sản xuất cam theo hướng hàng hóa, sản xuất theo chuỗi liên kết từ trồng, thu hái, chế biến đến tiêu thụ. Sản xuất cam theo hướng hữu cơ, cam VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Từng bước thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm cam, mở rộng thị trường tiêu thụ; cũng như tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Theo thống kê sơ bộ, tại các Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có khoảng 27.940 ha cây có múi; trong đó có hơn 10.500 ha cam. Riêng đối với cây cam tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm phần lớn diện tích sản xuất của các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Nhiều sản phẩm cây có múi được người tiêu dùng ghi nhận và có thương hiệu trên thị trường như: cam của Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hay cam của Quỳ hợp, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Yên Thành và Con Quông (Nghệ An).
Riêng tại tỉnh Hà Tĩnh đã trồng hơn 6.500 ha cây có múi; trong đó, cây cam là 4.500 ha, diện tích cho quả khoảng 2.500 ha với sản lượng ước đạt 70.000 tấn/năm. Cây ăn quả ở Hà Tĩnh đã có thương hiệu và trở thành cây hàng hóa như bưởi Phúc Trạch, Cam Hương Sơn, Vũ Quang, Thượng Lộc (Can Lộc)…/.