Ứng dụng truy xuất nguồn gốc với sản phẩm cam ở Bắc Trung Bộ

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề 'Sản xuất cam gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững tại vùng Bắc Trung Bộ'.

Trong vài năm trở lại đây, cam là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho các nhà vườn ở nhiều tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Đây là loại cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng thu nhập ổn định cho hộ nông dân sản xuất cây cam nói riêng. Hiện, 6 tỉnh Bắc Trung Bộ có diện tích cây có múi khoảng 29,63 nghìn ha. Trong đó, diện tích cam vào khoảng 14,7 nghìn ha, chiếm 15% diện tích trồng cam cả nước.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản phẩm cây ăn quả có múi nói chung, cây cam nói riêng, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh. Nhiều nông dân trong vùng đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP, áp dụng quy trình IPM trên cây có múi. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa cây có múi đã được hình thành… Nhờ đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm cây ăn quả có múi của vùng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất cây có múi tại các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn còn gặp khó khăn, thách thức như các vùng sản xuất hàng hóa chưa rõ nét, các hợp tác xã kiểu mới thành lập chưa nhiều, việc tiêu thụ gặp khá nhiều khó khăn do vấn đề liên kết trong tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ…

Để thúc đẩy phát triển sản xuất cam gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại vùng Bắc Trung Bộ, tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ quan điểm, góc nhìn, kinh nghiệm trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản, đặc sản vùng miền và xúc tiến quảng bá thương hiệu nông sản. Từ đó, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết được những khó khăn trong liên kết sản xuất.

PGS. TS Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến Quốc gia khẳng định vai trò và lợi ích của việc liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm cam nói riêng. Ông Thanh đặc biệt nhấn mạnh cần xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên để mối liên kết thật sự bền vững, từ đó liên kết mới mang lại hiệu quả cao. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đồng hành cùng Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục tổ chức các Diễn đàn, hội nghị có chủ đề về liên kết sản xuất với tiêu thụ, truy suất nguồn gốc sản phẩm; đổi mới hình thức đào tạo, trong đó ưu tiên nông dân dạy cho nông dân, nhà vườn trao đổi cho nhà vườn; các trang trại chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhau… và cán bộ khuyến nông là cầu nối trong các hoạt động đó.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/ung-dung-truy-xuat-nguon-goc-voi-san-pham-cam-o-bac-trung-bo-1764412.tpo