'Ủng hộ cả 2 tay' quy định nồng độ cồn bằng 0

Quá cần thiết, cả xã hội cần ủng hộ; ủng hộ cả 2 tay; dù hay nhậu nhưng tôi vẫn ủng hộ…, là những ý kiến của người dân khi nói về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế.

Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình quy định hành vi "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" trong dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.

Theo dự thảo của Bộ Công an, rượu, bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu ở nước ta. Hơn 50% các vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu, bia và hơn 30% các vụ bạo lực gia đình có liên quan đến dùng bia, rượu…

CSGT Hà Nội thời gian qua đã thường xuyên thành lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Quỳnh Mai.

CSGT Hà Nội thời gian qua đã thường xuyên thành lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Quỳnh Mai.

Bộ Công an thống kê, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra. Bên cạnh đó, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn với lái xe đang phát huy hiệu quả, thể hiện trong năm 2023 số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia giảm 25%, giảm 50% số người chết và giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ 2022.

Bộ Công an khẳng định nên tiếp tục kế thừa quy định của luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Nhiều người ủng hộ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Nói về dự thảo nêu trên, nhiều người đã đưa ra ý kiến hoàn toàn ủng hộ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với lái xe.

Anh Ngọc Khánh (36 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Tước Tết tôi đã phải đưa tiễn một người bạn ở Hà Nam ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông, là người anh mà tôi vô cùng yêu quý. Do uống rượu bia rồi lái xe nên anh ấy đã gặp tai nạn và không thể qua khỏi.

Sự việc đến quá bất ngờ, anh bỏ lại người vợ cùng 2 đứa con thơ… nhìn mà đau đớn vô cùng. Nếu không uống rượu rồi lái xe thì sự việc đau lòng đó đã không xảy ra. Việc cấm lái xe có nồng độ cồn là rất đúng đắn".

Chị Thu Trang (33 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) đồng tình: "Quá cần thiết, cả xã hội cần ủng hộ. Cần cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông, chỉ có vậy thì mới cải thiện và nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, nhất là tạo văn hóa giao thông. Bố tôi là người nghiện rượu, 1 năm mà bị xuất huyết tiêu hóa đến 3 lần, phải đi cấp cứu, quá ảnh hưởng sức khỏe. Giá mà cấm luôn việc lưu hành rượu bia nữa thì tốt".

Chị Thu Thủy (40 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, hiệu quả của việc kiểm tra nồng độ cồn đã quá rõ sau 2 năm áp dụng. Bằng chứng là số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia đã giảm, "Do đó mình ủng hộ cả 2 tay".

Một cảnh sát giao thông ở Hà Nội (đề nghị không nêu tên) đưa ra ý kiến: "Văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng 0 thì không uống, nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể bị ép uống.

Ngoài ra đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là thường sẽ uống tiếp, liều lượng tăng dần lên. Có nhiều trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, ảnh hưởng tới khả năng làm việc và lái xe.

Uống rượu bia khi lái xe không chỉ hại mình, mà còn hại người, thậm chí có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người. Do đó xã hội rất cần sự nghiêm khắc triệt để, nên cấm nồng độ cồn một cách tuyệt đối, sau này khi người dân đã ý thức hơn thì có thể xem xét điều chỉnh sau".

Một bạn đọc của Báo Sức khỏe và Đời sống gửi ý kiến: "Hồi xưa ra luật mũ bảo hiểm cũng bị nói này nói kia, rồi vài năm cũng đâu lại vào đấy thôi mà, mọi người đều chấp hành tốt. Riêng vụ bia rượu thổi cồn này thì tôi ủng hộ 2 tay, mức phạt như hiện tại tôi còn thấy thấp. Mặc dù tôi cũng là người hay nhậu (tuần 3-4 bữa), cũng đi xe, nhưng vẫn ủng hộ".

CSGT Hà Nội làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở đối với lái xe. Ảnh: Quỳnh Mai.

CSGT Hà Nội làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở đối với lái xe. Ảnh: Quỳnh Mai.

Bản chất rượu chính là một chất gây nghiện được con người thỏa hiệp

Trước đó, ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng mong muốn, cần phải có quy định "nồng độ cồn bằng 0" để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội. Nếu cá nhân nào cũng thực hiện nghiêm thì xã hội hạn chế được các vụ tai nạn giao thông, hạn chế được số người chết và bị thương…

Theo ông Nguyễn Huy Quang, việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được tham khảo từ nhiều nước khác, trong đó có khoảng 20 quốc gia quy định cấm hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe, tức là quy định "nồng độ cồn bằng 0".

"Ở các nước phát triển rất ít sử dụng xe máy, mức độ quy định khác nhau nhưng ở Việt Nam cấm hoàn toàn rồi mà vẫn có người sử dụng và gây tai nạn liên hoàn. Văn hóa rượu, bia của Việt Nam có phần nào mang tính hủ tục.

Ở một số khu vực nông thôn, miền núi, người uống rượu bia rồi say ngất ngưởng, ép nhau từng chén rượu thì làm sao chịu nổi. Nếu chúng ta không nghiêm không thể thay đổi văn hóa uống rượu, bia, càng dung túng có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu, người dân vẫn tiếp tục uống và như thế, tình hình tai nạn sẽ không thể giảm được", ông Quang nhấn mạnh.

Còn TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Bản chất rượu chính là một chất gây nghiện được con người thỏa hiệp từ trước đến nay. Nó gây mất kiểm soát hành vi, càng dùng nhiều thì càng bị phụ thuộc nhiều, ngày càng tăng liều lên, từ uống ít dần dần có thể uống nhiều hơn.

Kể cả khi chỉ uống ít rượu với nồng độ thấp thì cũng sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, tâm thần của người điều khiển phương tiện giao thông. Nhẹ là sẽ gây hưng phấn, nặng hơn là gây mất kiểm soát hành vi. Uống đến một nồng độ nhất định nó sẽ gây mất khả năng điều khiển, phối hợp vận động, mất khả năng phán xét… Với những người tâm lý ổn định, bình tĩnh thì sẽ phần nào kiểm soát được. Với những người tâm lý khó kiểm soát, trong đầu luôn có xu hướng chống đối xã hội, kích động… thì phần lớn sẽ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.

"Chính vì thế tôi đồng tình với quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

"3 nên, 5 kiêng" khi con bị thủy đậu để bé mau khỏi, không biến chứng.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ung-ho-ca-2-tay-quy-dinh-nong-do-con-bang-0-169240223095511594.htm