Ủng hộ sản phẩm địa phương
Sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)… trên địa bàn tỉnh An Giang đang được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Tín hiệu này không chỉ khẳng định chất lượng, vị thế cạnh tranh của sản phẩm địa phương, mà còn động viên các cơ sở, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu.
Dạo xem các mặt hàng gia vị trong Siêu thị Bách Hóa Xanh, chị Nguyễn Thị Nhung (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) cân nhắc giữa 2 sản phẩm: Nước màu dừa Bến Tre và nước màu thốt nốt. Cuối cùng, chị quyết định mua nước màu thốt nốt thương hiệu của Trần Gia được sản xuất trong tỉnh.
"Mình có thói quen đọc thông tin sản phẩm rất kỹ, nhất là thành phần, xuất xứ, hạn sử dụng. Gần đây, mình quan tâm hơn và ủng hộ các mặt hàng sản xuất ở địa phương. Vì gia đình mình cũng theo nghề truyền thống (sản xuất bánh kẹo), nên mình hiểu rõ để phát triển được cơ sở, việc tiếp cận khách hàng rất quan trọng. Kế đến, so sánh trên thị trường, sản phẩm truyền thống, sản phẩm thủ công trong tỉnh hiện nay không hề thua kém sản phẩm cùng loại về chất lượng, cho đến mẫu mã, bao bì..." - chị Nhung chia sẻ.
Chương trình OCOP đang là một trong những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Sự đón nhận, ủng hộ sản phẩm OCOP theo nhiều cách từ các tổ chức, cá nhân là nguồn động viên tích cực để mỗi sản phẩm hoàn thiện, nâng cao chất lượng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Khởi nghiệp thành công với cây dâu tằm, hộ kinh doanh Ngọc Bích (huyện Chợ Mới) đã có hành trình không ngừng nghỉ. Từ tạo dựng tên tuổi, phấn đấu lọt vào top 11 “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” cấp tỉnh năm 2022 và đang tiếp tục để được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Chị Nguyễn Ngọc Phương Trinh cho hay, nhiều năm nay, nhờ sự ủng hộ của các ngành, đoàn thể huyện Chợ Mới, sản phẩm được tiêu thụ tăng hơn 50%. Trong đó, tùy theo sự kiện, rượu, mứt, nước cốt… sẽ được lựa chọn phù hợp để gói làm quà tặng. Bằng cách này, cơ sở đã có thêm nhiều đối tác, không chỉ phấn khởi mà còn rất tự hào, vì sản phẩm khẳng định được uy tín, chất lượng, được ưu tiên lựa chọn để đến tay người tiêu dùng.
Tương tự, chị Lê Thị Thảo (chủ cơ sở dâu tằm Ngọc Thái, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân) cho biết, ngoài các chương trình lớn được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh hỗ trợ quảng bá thương hiệu của cơ sở rộng rãi, hiện nay các sản phẩm dâu tằm đã tiếp cận nhiều khách hàng cả sỉ và lẻ. Chị rất vui khi các sự kiện, như: Chợ Tết, lễ hội Xuân, họp mặt kỷ niệm truyền thống hội nông dân, đoàn thanh niên, các đại hội… đầy đủ sản phẩm của cơ sở được các cơ quan, ban ngành chọn để giới thiệu, trưng bày, hỗ trợ gian hàng bán ngay tại sự kiện.
So với trước, sản phẩm bán ra tăng hơn 30% và lượng khách hàng cũng mở rộng đáng kể. Nhờ đó, khách hàng thưởng thức sản phẩm chủ động đặt hàng qua số điện thoại, để lại những phản hồi, góp ý hoặc trở thành đối tác phân phối số lượng lớn. Từ niềm tin yêu của khách hàng, cơ sở đang cố gắng nghiên cứu thêm sản phẩm cao cấp, hướng tới đa dạng phân khúc thị trường.
Hầu hết chủ thể sản phẩm đều nhận định, được công nhận danh hiệu, chấm điểm về chất lượng bởi các cơ quan chức năng là vấn đề khó. Do đó, để tồn tại và phát triển bền vững, đòi hỏi chủ thể của sản phẩm có tận dụng tốt các cơ hội quảng bá sản phẩm hay không. Các cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm danh hiệu, đạt chuẩn OCOP cần phải thay đổi tư duy để tiếp cận thị trường. Sản phẩm được sản xuất trong tỉnh hiện nay được người tiêu dùng đánh giá chất lượng, bao bì đóng gói bắt mắt, hiện đại. Thêm vào đó, phương thức tiếp cận, chăm sóc khách hàng, xây dựng uy tín, sự tận tâm đã được chủ thể chú trọng hơn.
“Mạng xã hội, báo chí, các hội chợ thương mại, hoạt động du lịch hay sự kiện quan trọng ở địa phương… đều là cơ hội để sản phẩm có mặt quảng bá. Trong quá trình tự khẳng định mình và tìm kiếm khách hàng thì sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan, đoàn thể khiến chúng tôi rất cảm kích. Một sự kiện diễn ra ở địa phương, thấy mặt hàng của mình hiện hữu trong gói quà tặng cho đại biểu, đó là niềm vui và cũng là động lực để cơ sở thêm cố gắng” - ông Hứa Hoàng Vũ (cơ sở tung-lò-mò Anas, TX. Tân Châu) bày tỏ.
Thời gian qua, việc đánh giá, công nhận các sản phẩm theo danh hiệu, phân hạng OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể tham gia chương trình khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ. Đây là cơ hội để các làng nghề, cơ sở sản xuất phát huy, khai thác hết tiềm năng, tinh hoa của mình. Nhiều sản phẩm đặc trưng sản xuất theo phương thức truyền thống đã chuyển mình để sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chí chất lượng. Mẫu mã mới, sử dụng tiện lợi, dễ dàng đến tay người tiêu dùng… là những “điểm cộng” để hàng hóa địa phương có mặt nhiều hơn ở các kênh phân phối.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ung-ho-san-pham-dia-phuong-a359285.html