Ứng phó dài hạn với giá dầu tăng cao
Tăng cường cung cấp dầu và khí đốt trong nước, đồng thời xây dựng quan hệ đối tác năng lượng quốc tế được xem là giải pháp để các quốc gia ổn định an ninh năng lượng quốc gia.
Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường sản xuất trong nước và mở rộng quan hệ đối tác để đảm bảo nguồn cung năng lượng, sau quyết định “giải phóng” dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của Mỹ, do giá dầu thô biến động liên tục khi chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ.
Ông Zhang Jianhua, Giám đốc Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia nhấn mạnh, bối cảnh kinh tế và chính trị quốc tế đã bước vào một “thời kỳ hỗn loạn”, đe dọa sự phục hồi từ đại dịch COVID-19 và chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát biểu trên tờ Nhân dân Nhật báo, ông nói: “Rủi ro năng lượng mới và cũ đan xen lẫn nhau. Mối liên kết yếu của các nguồn dầu khí đã tồn tại trong một thời gian dài, trong khi các vấn đề cung cấp năng lượng theo khu vực và theo chu kỳ xảy ra theo thời gian”.
Giá dầu tăng gây thiệt hại nặng nề cho Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và diễn ra trong bối cảnh lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng gia tăng, khi nước này nhập khẩu gần 70% dầu thô và hơn 40% khí đốt tự nhiên.
“Chúng tôi sẽ xây dựng các mối quan hệ đối tác năng lượng dọc theo tuyến vành đai và con đường, đồng thời mở rộng “vòng tròn bạn bè” một cách đều đặn. Chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng một số phương pháp để tăng cường chuỗi cung ứng năng lượng, bao gồm tăng sản lượng dầu và khí đốt trong nước, nâng cao năng lực dự trữ và tăng cường hợp tác năng lượng quốc tế. Việc hợp tác sẽ được thúc đẩy với các nước sản xuất tài nguyên và năng lượng lớn, đồng thời tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng năng lượng với các nước láng giềng”, Ông Zhang cho biết.
Đến nay, Nga - thành viên chủ chốt của Sáng kiến Vành đai và Con đường là nguồn nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc sau Ả Rập Xê-út. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu năng lượng từ Nga tăng 47,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 334,2 tỷ NDT (52,5 tỷ USD) vào năm 2021, chiếm khoảng 2/3 tổng nhập khẩu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách Trung Quốc cũng đang tăng cường quan hệ với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh như Ả Rập Xê-út, Kuwait, Oman và Bahrain để tăng cường cung cấp năng lượng chiến lược.
Trước đó, Trung Quốc đã được Mỹ tiếp cận về việc cùng giải phóng dự trữ dầu chiến lược nhằm hạn chế đà tăng giá, nhưng họ chỉ giải phóng một lượng nhỏ từ kho dự trữ trong vài tháng qua. Hiện vẫn chưa có phản hồi ngay lập tức sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ giải phóng 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng tới.
Tian Miao, nhà phân tích cấp cao của Everbright Securities International cho biết, Trung Quốc có thể mở kho dự trữ chiến lược, nhưng số lượng quá nhỏ để tạo ra tác động thực sự. “Do phụ thuộc nhiều vào dầu ở nước ngoài, Trung Quốc phải tiếp tục nhập khẩu từ Nga và việc mua hàng sẽ không dừng lại”.
Trước khi các quốc gia phương Tây tung ra một làn sóng trừng phạt đối với Nga, trong đó có phạm vi hạn chế đối với lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, thì Trung Quốc đã đạt được một số thỏa thuận năng lượng với nước láng giềng này vào đầu tháng 2, với thỏa thuận cung cấp 100 triệu tấn dầu thô của Nga trong 10 năm tới và một hợp đồng cung cấp khí đốt có thời hạn 30 năm.
Vốn dĩ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải hứng chịu một đợt khủng hoảng năng lượng trên toàn quốc vào tháng 9/2021, trong bối cảnh các chiến dịch khử carbon và tiết kiệm năng lượng tại địa phương diễn ra. Điều này đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải điều chỉnh các chính sách năng lượng.
Trong kế hoạch năng lượng 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025 được công bố mới đây, Bắc Kinh cho biết sẽ đặt sản lượng dầu thô hàng năm ở mức khoảng 200 triệu tấn và nâng sản lượng khí đốt tự nhiên lên hơn 230 tỷ mét khối từ mức 205,3 tỷ mét khối.
Có thể thấy, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh bất ổn nguồn cung và giá xăng dầu tăng sốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định, trong vai trò quản lý nhà nước, bảo đảm nguồn cung với một mặt hàng chiến lược như xăng dầu cùng sự bình ổn của thị trường luôn là trách nhiệm cao nhất của Bộ Công Thương.
Đề xuất giải pháp ứng phó với giá dầu tăng cao như hiện nay, một số chuyên gia kinh tế cũng “hiến kế”, Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới bán dầu dự trữ chiến lược hoặc thương mại để bình ổn thị trường và tăng thu ngân sách, đảm bảo điều tiết thị trường khi giá dầu cao. Khi thị trường biến động giảm, có thể mua vào để gia tăng dự trữ và đây là bài toán kinh tế nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu. Ngoài ra, sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.