Ứng phó dịch bệnh gia súc, gia cầm lây sang người
Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, các mầm bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) còn tồn tại, tiềm ẩn trong môi trường thì các loại dịch bệnh có thể tái bùng phát và lây sang người bất cứ lúc nào.
Dịch bệnh GSGC bùng phát không chỉ gây hại đến sản xuất chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng khi dịch có thể lây sang người. Thực tế các loại dịch cúm gia cầm, liên cầu lợn… đã từng lây sang người tại nhiều nước trên thế giới và một số tỉnh, thành trên cả nước.
Mới đây, một phát hiện mới được Bộ Nông nghiệp quốc gia Mỹ xác nhận, một biến thể độc lực cao của virus cúm gia cầm, H5N1 lần đầu tiên được tìm thấy ở lạc đà Alpaca, có nguồn gốc từ Nam Mỹ và được nuôi chủ yếu để lấy lông. Thời gian gần đây, biến thể H5N1 đã được phát hiện ở hơn 50 loài động vật ở Mỹ, trong đó có bò sữa. Đặc biệt, hai người làm việc tại các trang trại GSGC tại nước này cũng được phát hiện mắc bệnh cúm gia cầm.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, lực lượng thú y cùng các địa phương, Nhân dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên GSGC. Các hoạt động tuần tra, kiểm soát, giám sát và tiêm vắc-xin, tiêu độc khử trùng được triển khai một cách nghiêm túc với sự vào cuộc khá đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng chăn nuôi và thú y là nòng cốt.
Tuy nhiên, biến thể của dịch cúm gia cầm cho thấy sự diễn biến phức tạp, khó lường và hoàn toàn có thể lây sang người nếu không có biện pháp phòng ngừa một cách hiệu quả. Trong số các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có thể lây sang người, một biện pháp được cho là cần thiết, bắt buộc người dân là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản cho rằng, người dân phải tuân thủ nghiêm túc các quy định trong quá trình chế biến thực phẩm an toàn theo khuyến cáo và hướng dẫn của đơn vị. Theo đó, theo hướng dẫn của chi cục, trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm thì những bề mặt tiếp xúc với thực phẩm phải luôn được làm vệ sinh sạch sẽ, tránh lây nhiễm các chất gây mất an toàn cho thực phẩm. Để thực hiện tốt điều này phải có quy trình vệ sinh làm sạch trong cơ sở chế biến thực phẩm, vệ sinh, khử trùng nhà xưởng, nhà bếp.
Trong quá trình chế biến phải có đầy đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau. Trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại cũng cần trang bị đầy đủ. Một lưu ý nữa là phải có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên. Chất thải phải được thu gom, xử lý theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, khử độc khi sử dụng phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường.
Vật liệu chế tạo thiết bị, dụng cụ phải đảm bảo không độc, không hấp thụ, không thôi nhiễm, không gây mùi vị lạ hay làm biến đổi màu sắc sản phẩm. Các dụng cụ chế biến, bàn chế biến, khuôn khay và các bề mặt tiếp xúc với sản phẩm của các thiết bị, đồ dùng cầm tay đều được làm bằng inox, hoặc bằng nhôm có bề mặt nhẵn, không thấm nước, không gỉ, không bị ăn mòn, dễ làm vệ sinh, có thể rửa và khử trùng nhiều lần mà không bị hư hại và an toàn.
Các dụng cụ chứa đựng như thau, rổ, thùng chứa nguyên, vật liệu đều làm bằng nhựa không độc, không mùi, chịu được sự tác động của nhiệt, chất tẩy rửa và khử trùng, không ảnh hưởng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hóa chất vệ sinh trong cơ sở chế biến thực phẩm, nhà bếp như chất khử trùng, tẩy rửa phải nằm trong danh mục được phép sử dụng và sử dụng đúng nồng độ theo quy định hiện hành của Bộ Y tế và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.