Ứng phó dinh dưỡng khẩn cấp trong thiên tai
Ngày 28/4, tại TP Tuy Hòa, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tổ chức hội thảo về ứng phó dinh dưỡng khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai (PCTT).

Lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ANH NGỌC
Lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và PCTT, đại diện Cục Phòng bệnh (Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế), lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, cùng đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam tham dự.
Tham gia hội thảo còn có gần 50 cán bộ, công chức, viên chức đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Hội Chữ thập đỏ (tỉnh và cấp huyện), Hội LHPN (tỉnh và cấp huyện), Hội Người cao tuổi tỉnh và Trung tâm Y tế cấp huyện.
Trong 2 ngày 28 và 29/4, hội thảo tập trung chia sẻ công tác PCTT tại khu vực duyên hải miền Trung; chính sách, kế hoạch can thiệp dinh dưỡng với một số loại hình thiên tai chủ yếu cũng như các giải pháp đảm bảo dinh dưỡng khi thiên tai gây cô lập kéo dài tại cộng đồng.
Theo Cục Quản lý đê điều và PCTT, biến đổi khí hậu cùng với sự ấm lên toàn cầu khiến cho tình hình thiên tai trên thế giới diễn ra ngày càng phức tạp với xu thế gia tăng cả tần suất và cường độ. Trong 5 năm gần đây, thế giới chứng kiến những trận thiên tai thảm khốc như động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, lũ lụt tại Trung Quốc, cháy rừng tại Hoa Kỳ, hay mưa lũ bất thường tại Tây Ban Nha.
Gần đây nhất, ngày 28/3/2025, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra tại vùng Sagaing (Myanmar) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản…

Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai trình bày tham luận về đặc điểm thiên tai khu vực duyên hải miền Trung và công tác ứng phó. Ảnh: ANH NGỌC
Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai cực đoan. Trong vòng 20 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế từ 1-1,5% GDP. Ứng phó dinh dưỡng trong PCTT là một vấn đề khá mới, song rất quan trọng, cần được quan tâm trong giai đoạn tới. Hoạt động này cũng là một trong những nội dung trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời triển khai thực hiện đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại hội thảo này, có 8 tham luận được trình bày gồm: Đặc điểm thiên tai khu vực duyên hải miền Trung và công tác ứng phó; các cơ chế, chính sách về dinh dưỡng và nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp; hướng dẫn về dinh dưỡng trong PCTT; hệ thống ứng phó khẩn cấp tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm từ các đáp ứng khẩn cấp đã thực hiện; đánh giá trong tình huống khẩn cấp và ứng phó thiên tai; các can thiệp trong dinh dưỡng khẩn cấp và ứng phó thiên tai; hướng dẫn lập kế hoạch phòng, chống và ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp…