Ứng phó kênh xã hội phản cảm: Cái đẹp dẹp cái xấu
Nội dung nhảm nhí, độc hại trên các kênh như YouTube, Tik Tok… bị coi như 'rác' văn hóa. Đẩy lùi những nội dung xấu, độc này lại không đơn thuần dựa vào rào cản kỹ thuật.
Nhảm nhí vì đâu?
Nội dung phản cảm “búp bê xin vía học giỏi” trên kênh Youtube Thơ Nguyễn vừa qua chỉ là một trong số video nhảm nhan nhản trên mạng xã hội. Nội dung xấu không chỉ xuất hiện trên kênh cho trẻ nhỏ, mà còn được khai thác mạnh trên các kênh hướng tới người trưởng thành. Dư luận từng phản ứng với các clip như xúi trẻ con nghịch dại, bôi nhọ người dân tộc, đốt xe máy, trộm lợn đất đập lấy tiền, cho gà nguyên bộ lông vào nồi cháo...
“Nội dung là rác nhưng lại có đặc điểm là mới, lạ, không áp đặt. Điều này đặc biệt phù hợp với những người dưới 30 tuổi vốn hay dùng mạng xã hội nhất. Ai cũng muốn thể hiện mình trẻ trung nên càng muốn biết cái mà giới trẻ thích và nói. Chính vì thế, sự lan tỏa với các lớp tuổi già hơn lại trở nên mạnh mẽ. Cả hai tạo ra một tình huống kéo, đẩy giúp tăng lượng xem trên môi trường số - nơi sự dễ dàng và tốc độ nhanh giúp thông tin xấu lan đi như một con virus”, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành nói.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long (sáng lập Truyền thông Trăng Đen) có cái nhìn tương tự. Nội dung bị coi là xấu, độc trên mạng xã hội thu hút nhiều lượt xem vì trước hết nó mang tính giải trí và đánh vào sự tò mò của số đông. Thứ hai, quan trọng nhất, nó khai thác những lĩnh vực, chủ đề mà các kênh truyền thông chính thống không khai thác.
Con người luôn tìm kiếm sự độc đáo, lạ lùng, bất thường. Chính xu hướng này khiến nhiều người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội nương theo đó để bày ra không ít nội dung phản cảm, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. “Lượng người xem chính là động lực để những người làm nội dung trên YouTube, Tik Tok làm ra những nội dung phản cảm đó. Youtube, Tik Tok không qua bộ lọc và khâu kiểm duyệt như sách báo, phim ảnh thành ra nội dung xàm nở rộ”, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói.
Xử lý từ gốc
Chủ kênh YouTube Thơ Nguyễn tạm dừng chức năng kiếm tiền và chủ động ẩn toàn bộ nội dung các clip trước đó. Hành động bắt nguồn từ việc bị tẩy chay và bị phạt hành chính. Trước đó, Bộ TT&TT mạnh tay với loạt kênh như Hưng Vlog, Hành tinh đồ chơi, Huấn Hoa Hồng... vì nội dung nhảm nhí, phản cảm và trái pháp luật.
“Về khía cạnh quản lý, cách làm như hiện nay không thể giải quyết tận gốc vấn nạn này vì chúng ta phải chạy theo sau các nội dung độc, xử lý được một cái lại có mười cái khác mọc ra. Đã đến lúc cần ứng dụng các bộ lọc mạnh mẽ hơn bằng công nghệ, bằng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để dò tìm trực tiếp các nội dung xấu độc và xử lý nó từ trứng nước. Các bước xử lý cũng cần tự động hóa, thay vì dùng sức người và các thủ tục hành chính như hiện tại. Có vậy mới mong tiêu diệt triệt để các loại nội dung này trong tương lai”, chuyên gia Ngọc Long đề xuất.
Nhà thơ Phong Việt cho rằng, trước khi đổ lỗi cho những nội dung nhảm trên YouTube, Tik Tok, các gia đình phải có cách kiểm soát con cháu mình xem gì. TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, đề xuất đưa nội dung về truyền thông mạng xã hội vào trường học giảng dạy. Thay vì để mặc trẻ “bơi” giữa biển thông tin ngồn ngộn và loay hoay tự lọc “rác”, nên trang bị cho lớp trẻ kiến thức và nhận thức đúng về nội dung trên mạng xã hội, TS Cảnh Linh đề xuất.
“Người sáng tạo nội dung hiểu sâu sắc kiểu nội dung nào thu hút nhiều người xem. Chúng ta cần chấm dứt tư duy đòi hỏi những kênh xấu độc phải lãnh thêm nhiệm vụ truyền bá văn hóa và đạo đức. Thay vào đó, những kênh quảng bá văn hóa và giáo dục cần làm mới mình, thay đổi theo hướng thu hút người xem để giành lại lợi thế trên mặt trận mạng xã hội”, chuyên gia Ngọc Long nhận định. Anh cho biết, thực tế nhiều kênh Tik Tok có nội dung từ thiện xã hội, hoặc nghệ thuật như hội họa thu hút lượt xem rất lớn vì biết cách khai thác đúng nhu cầu, sở thích của người xem.
Rào cản kỹ thuật cũng chỉ là một trong số giải pháp để dẹp nội dung xấu trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng của Việt Nam có thể ngồi lại với các nền tảng công nghệ như You Tube, Tik Tok… để đặt ra bộ lọc nội dung phù hợp với văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, quan trọng hơn, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng, muốn chủ các kênh truyền thông mạng xã hội sáng tạo nội dung có văn hóa, có tính giáo dục, chúng ta cần cổ vũ họ để gạn đục khơi trong. “Số lượng clip, câu chuyện nói về điều hay, sự nhân văn được làm một cách hấp dẫn chính là giải pháp tốt nhất hạn chế những thứ tào lao trên mạng xã hội”, anh nói.
Quyền trừng phạt của công chúng
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành cho rằng, Việt Nam đang gặp khó bởi quy định pháp luật chưa đủ chi tiết, khả năng can thiệp kỹ thuật yếu vì máy chủ không đặt ở Việt Nam. “Bản thân mạng xã hội do mong muốn thu hút lượt xem và thời gian sử dụng của người tiêu dùng nên cũng làm ngơ. Người xem thích sự nhảm nhí và chưa sử dụng quyền trừng phạt của mình. Quyền trừng phạt gồm không xem, không đăng ký kênh, bấm “không thích”, nhấn nút báo cáo (report) mà trong đó cao nhất chính là quyền không xem”, ông Đình Thành nói.