Ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông, lốc, sét
UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 749/UBND-NNTN ngày 11/5/2020 về việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá.
Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, bất thường, đặc biệt là hiện tượng giông, lốc, sét, mưa đá gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của Nhân dân. Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra giông, lốc làm hư hỏng nhiều nhà cửa, hoa màu, đặc biệt là tại các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn… Theo dự báo, trong những ngày này, mưa giông ở khu vực tỉnh Hòa Bình xảy ra trên diện rộng, có nơi mưa vừa đến mưa to và rải rác có giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Để sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc các nội dung Công điện số 02, ngày 26/4/2020 của UBND tỉnh về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông, lốc, sét, mưa đá.
Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mail, bản tin facebook của Ban chỉ đạo T.Ư phòng chống thiên tai, của tỉnh để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó.
Đối với các địa phương đã xảy ra giông, lốc gây thiệt hại cần khẩn trương khắc phục hậu quả; cử các lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; hướng dẫn, hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất. Chủ động triển khai các giải pháp chăm sóc, khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai trong sản xuất trồng trọt theo Văn bản số 683, ngày 29/4/2020 của UBND tỉnh về tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ xuân năm 2020; Văn bản số 752, ngày 24/4/2020 của Sở NN&PTNT hướng dẫn biện pháp khôi phục thiệt hại sản xuất do mưa đá và các văn bản chỉ đạo sản xuất khác của ngành NN&PTNT.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường đôn đốc, chỉ đạo đảm bảo không đầu cơ tăng giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng có liên quan trong việc khôi phục sản xuất, đời sống của người dân…