Ứng phó phù hợp khi COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Các hệ thống y tế đã bị gián đoạn nghiêm trọng, với hàng triệu người không tiếp cận được các dịch vụ y tế thiết yếu, bao gồm cả tiêm chủng cho trẻ em. Việt Nam ứng phó ra sao trước tuyên bố của WHO, có thay đổi biện pháp chống dịch trong tình hình mới và có đưa COVID-19 trở về là bệnh truyền nhiễm thông thường hay không?
Theo nhận định của Tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - trong hơn một năm nay, đại dịch đang có xu hướng giảm, khả năng miễn dịch của người dân tăng lên nhờ tiêm chủng, tình trạng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong giảm và áp lực đối với các hệ thống y tế cũng giảm bớt. Xu hướng này đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại cuộc sống như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Trong năm qua, Ủy ban Khẩn cấp và WHO đã phân tích dữ liệu một cách cẩn thận và cân nhắc thời điểm thích hợp để hạ thấp mức cảnh báo. Đồng thời, tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa COVID-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Tuần trước, cứ 3 phút COVID-19 lại cướp đi sinh mạng của một người. Hiện vẫn có hàng nghìn người trên khắp thế giới đang chiến đấu để giành lấy mạng sống của mình tại các đơn vị chăm sóc tích cực. Và hàng triệu người khác tiếp tục sống với những hậu quả gây suy nhược cơ thể của tình trạng hậu COVID-19”, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, sau một thời gian dịch COVID-19 giảm mạnh, từ đầu tháng 4/2023 COVID-19 đã gia tăng trở lại. Ngày 5/5 ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới, gần 20 ca tử vong chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, ca bệnh nặng phải thở oxy, thở máy cũng tăng. Nhiều chuyên gia dịch tễ nhận định, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày vừa qua, ca mắc COVID-19 tại Việt Nam còn tăng cao hơn nữa. Việc WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, không có nghĩa chúng ta không bỏ rơi, không hành động gì.
Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) – PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, WHO tuyên bố dựa trên nhiều lý do. Thứ nhất, Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của WHO đã đưa ra những bằng chứng cho thấy COVID-19 đã giảm rủi ro đối với sức khỏe con người, chủ yếu là nhờ khả năng miễn dịch từ nhiễm bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên toàn cầu cao. Thứ hai, độc lực của virus gây bệnh cũng có sự ổn định tương đối, kể cả với các biến thể phụ đang lưu hành của Omicron và các biến thể phụ trước đó. Dù SARS-CoV-2 có tiếp tục tiến hóa với các biến thể nhưng nó không liên quan đến mức độ nghiêm trọng và không gây ra yếu tố bất ngờ. Thứ ba, COVID-19 ở giai đoạn hiện tại đã khiến tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng và quá tải cho hệ thống y tế như trước.
Ông Phu cũng cho biết, mặc dù WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng vẫn nhận định virus SARS-CoV-2 còn tồn tại, vẫn đang gây tử vong và nguy cơ vẫn còn ở các biến thể mới xuất hiện gây ra các đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong. Tổng giám đốc WHO tuyên bố: “Điều tồi tệ nhất mà bất kỳ quốc gia nào có thể làm lúc này là sử dụng tin tức này làm lý do để mất cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống đã xây dựng hoặc gửi đi thông điệp tới người dân rằng COVID-19 không có gì phải lo lắng. Tin tức này có nghĩa là đã đến lúc các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý COVID-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác”.
Vì thế, Việt Nam không thể bỏ rơi, không hành động gì trước tuyên bố của WHO. Thực tế, WHO đã xây dựng và công bố chiến lược mới trong phòng, chống COVID-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn. Kế hoạch mới ngoài duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài, còn hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 bền vững, lâu dài để không có sự bất ngờ.
Ngoài ra, trong tuần này, WHO đã xuất bản ấn bản thứ tư của Kế hoạch chiến lược toàn cầu về chuẩn bị và ứng phó COVID-19, trong đó phác thảo những hành động quan trọng đối với các quốc gia trong 5 lĩnh vực cốt lõi: phối hợp giám sát, bảo vệ cộng đồng, chăm sóc an toàn và nhân rộng, tiếp cận các biện pháp đối phó và phối hợp khẩn cấp.
Theo ông Phu, tất cả những điều trên đòi hỏi Việt Nam cần có ứng phó phù hợp, khi trên thế giới không còn tình trạng khẩn cấp, đáng quan ngại thì Việt Nam phải nghiên cứu, đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia. Về dịch ở Việt Nam đang tăng trở lại nhưng vẫn được kiểm soát. Đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải cho hệ thống y tế. Các trường hợp tử vong là người có bệnh nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch.
“Thời gian qua một số ý kiến so sánh COVID-19 với cúm mùa và đưa ra câu hỏi nên xếp bệnh vào nhóm B hay vẫn duy trì ở nhóm A. Về vấn đề này hội đồng chuyên môn sẽ họp, đánh giá, xem xét, nhưng tôi cho rằng dù COVID-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp đáp ứng phù hợp là vô cùng quan trọng. Điều này giúp kiểm soát dịch, không để bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ, dựa trên đánh giá nguy cơ đặc thù của từng bệnh, từng giai đoạn thời kỳ để kiểm soát dịch một cách bền vững, không tốn kém, lãng phí nhưng phải đủ nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh cũng như đảm bảo được sự chăm sóc y tế tốt cho người dân", ông Phu cho biết.
Đánh giá tình hình của Việt Nam hiện nay, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam – TS Angela Pratt cũng cho rằng, đây là thời điểm để Việt Nam nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể vô cùng mạnh mẽ của đất nước đối với virus này. Nhưng đồng thời, điều quan trọng phải hiểu rằng đây không phải là lúc chúng ta mất cảnh giác. COVID-19 sẽ tiếp tục là một mối đe dọa. Công bố này thực sự là công bố về sự cần thiết phải tăng tốc và lập kế hoạch quản lý virus trong dài hạn.