Ứng phó sao nếu dịch Corona bùng phát mạnh?
Từ khi Trung Quốc ghi nhận những ca mắc viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), Bộ Y tế Việt Nam đã vào cuộc, chuẩn bị cho tất cả các tình huống.
Theo dự báo của Bộ Y tế, khả năng tuần này dịch Corona tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã liên tục họp bàn để đưa ra nhiều giải pháp xử lý trước mắt cũng như các kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh.
4 kịch bản ứng phó
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Việt Nam không đợi đến khi Trung Quốc đạt đỉnh mới triển khai các biện pháp chống dịch, mà ngành y tế đã chống từ sớm. Sau khi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên vào chiều tối 29 tết (23-1) thì ngay 30 tết, Việt Nam đã kiểm soát chặt những người từ vùng dịch, đặc biệt là từ Vũ Hán vào Việt Nam.Những công dân Việt Nam về từ vùng dịch đều được cách ly tại cửa khẩu.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam đang ứng phó với virus Corona theo bốn kịch bản và phân loại dịch ở bốn cấp độ để phòng, chống.
Kịch bản thứ nhất là khi có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, sẽ khoanh vùng xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.
Kịch bản thứ hai là từ ca xâm nhập đó lây lan sang người ở Việt Nam. Lúc này cần phát hiện sớm bệnh nhân viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân về Việt Nam từ vùng có dịch để cách ly, xử lý.
Kịch bản thứ ba là mức độ lây lan cộng đồng dưới 1.000 ca. Khi ấy hệ thống y tế địa phương cần đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng.
Kịch bản thứ tư là trên 1.000 ca mắc bệnh. Tất cả kịch bản này bộ đều có phương án đối phó. Trong trường hợp các cơ sở điều trị vượt quá công suất thì bệnh viện (BV) dã chiến sẽ vận hành.
Tính đến ngày 9-2, Việt Nam có 14 ca dương tính với virus Corona. Theo Bộ Y tế, đây là con số vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Tức là Việt Nam đang ứng phó với dịch trong kịch bản thứ ba. Tuy nhiên, để chủ động trước dịch, sắp tới Bộ Y tế đã cho xây BV dã chiến để cách ly điều trị bệnh nhân trong trường hợp dịch bùng phát tới hàng ngàn ca.
Chuẩn bị 3.000 giường bệnh; nhân lực y tế sẵn sàng
Hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.
Ví dụ như Khánh Hòa, đây là địa phương đầu tiên công bố dịch, nay đã đủ điều kiện công bố hết dịch khi ca nhiễm duy nhất là nhân viên lễ tân xuất viện và chưa ghi nhận ca nhiễm khác.
Tại Vĩnh Phúc, theo dự kiến, số người mắc bệnh trong thời gian tới sẽ tăng vì có nhóm người từ Vũ Hán đi tập huấn trở về. Do đó, Bộ Y tế chỉ đạo các lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung khoanh vùng cách ly điều trị, đặc biệt là tại ba huyện đã phát hiện dịch.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay kịch bản chống dịch sẽ tương tự như Bộ Y tế đang thực hiện với tâm dịch Vĩnh Phúc.
Theo đó, bộ sẽ tập huấn cho BV tuyến huyện có khả năng điều trị khỏi bệnh. Việc tiếp theo là xem địa phương có người nhiễm nhiều như Vĩnh Phúc là một ổ dịch, khoanh vùng lại. Toàn bộ danh sách người tiếp xúc các bệnh nhân đều đã được cách ly tại nhà, yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện cách ly đặc biệt với người nhiễm, tức là cách ly ba vòng, bốn vòng, bao gồm cả người tiếp xúc với người tiếp xúc với bệnh nhân.
Đến tối 9-2, Việt Nam có 14 ca dương tính với nCoV
Tính đến tối 9-2, thông tin từ Bộ Y tế cho hay Việt Nam đã có 14 trường hợp dương tính với nCoV. Nữ bệnh nhân thứ 14 là bà NTY, 55 tuổi, sống tại thôn Ái Vân, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Bà Y. là hàng xóm và đã có tiếp xúc với gia đình của bệnh nhân NTD, người bị nhiễm nCoV trước đó.
Như vậy, Vĩnh Phúc hiện có chín trường hợp dương tính với nCoV. TP.HCM có ba ca dương tính, hiện đã chữa khỏi một trường hợp. Hai trường hợp còn lại ở Thanh Hóa và Khánh Hòa đều đã khỏi và cho xuất viện, thực hiện cách ly tại nhà.
Tại Hà Nội, khi dịch ở cấp độ 4, các BV tuyến tỉnh, huyện duy trì hoạt động liên tục, bảo đảm các dịch vụ y tế thiết yếu, bao gồm cả dịch vụ cho nhóm dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người bệnh mạn tính.
TP Hà Nội sẽ duy trì việc giám sát tại cửa khẩu để giảm nguy cơ. Cùng đó là đẩy mạnh các hoạt động giám sát nắm bắt thông tin để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để dịch bùng phát trong cộng đồng.
Song song đó, Hà Nội sẽ mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận người bệnh, phân loại người bệnh điều trị tại các tuyến, hạn chế vận chuyển người bệnh lên tuyến trên nhằm tránh quá tải. Các cơ quan y tế sẽ phối hợp với các đơn vị quốc phòng thiết lập các BV truyền nhiễm dã chiến để tiếp nhận và điều trị người bệnh.
Bộ Y tế cũng gửi công văn đến tất cả các Sở Y tế tỉnh, TP về việc lên phương án phòng chống dịch Corona. Do vậy, tất cả đang ở tâm thế chủ động, sẵn sàng chống dịch.
“Chúng ta đã dành 3.000 giường bệnh cho trường hợp dịch Corona ở Việt Nam lan nhanh” - Thứ trưởng Long nói.
Về khả năng dịch bùng phát ở Việt Nam, thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng hiện nay vẫn còn quá sớm để đánh giá khi nào dịch bùng phát, khi nào lên đỉnh hay đến khi nào sẽ hết dịch.
TP.HCM: BV dã chiến sẽ hoạt động vào hôm nay
Bộ tư lệnh TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM đang gấp rút tổ chức triển khai các hoạt động chuẩn bị cho BV dã chiến phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Dự kiến vào sáng 10-2, BV dã chiến tại TP.HCM sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Bộ tư lệnh TP và Sở Y tế TP đã có buổi làm việc thống nhất phương án triển khai khu cách ly tập trung của TP tại BV dã chiến ở ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Theo đó, từ sáng 8-2, lãnh đạo Sở Y tế cùng nhiều cán bộ, công chức của Sở Y tế, cán bộ lãnh đạo BV và các khoa, phòng của BV Bệnh nhiệt đới và cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Gia Định - Bộ tư lệnh TP đã có mặt tại đây. Tất cả bắt tay vào công tác chuẩn bị cho BV dã chiến đi vào hoạt động.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết BV Bệnh nhiệt đới được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Sở Y tế giao chịu trách nhiệm chính về bộ khung quản lý và vận hành các quy trình tiếp nhận, quy trình tổ chức hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Về nhân lực vận hành BV dã chiến, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch điều động các nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại BV dã chiến. BV cũng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết như máy thở, monitor, X-quang, trang phục bảo hộ, năm xe cứu thương...
Trong giai đoạn đầu, BV Bệnh nhiệt đới sẽ chịu trách nhiệm chính về nhân lực chuyên môn cho BV dã chiến. Các nhân lực phục vụ ngoài chuyên môn sẽ do Bộ tư lệnh điều động. Các BV TP và BV quận, huyện sẽ lần lượt cử các bác sĩ, điều dưỡng đến công tác tại BV dã chiến, tùy thuộc vào tình hình diễn tiến dịch bệnh trên địa bàn TP.
Tại TP.HCM đã ghi nhận ba ca dương tính nCoV, hiện một ca đã được chữa khỏi. Với 27 trường hợp nghi, hiện 27 ca đã có kết quả âm tính. Các BV đã theo dõi 39 trường hợp có tiếp xúc gần với người bị nhiễm nCoV trong đó có 11 ca đã kết thúc theo dõi, 18 ca đang được cách ly tập trung và 10 trường hợp đang cách ly tại nhà. Đáng chú ý, trong đêm 7-2, có 10 hành khách đi từ Trung Quốc (đều ngoài tỉnh Hồ Bắc) từ sân bay đến các quận 2, 3, 11, 12, Gò Vấp và Bình Thạnh đều được giám sát, cách ly tại nhà theo quy định. Hiện nay các trường hợp này đang được giám sát chặt, chưa có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Hiện tại, Sở Y tế đang tiếp tục tổ chức điều tra, xác minh các ca nghi ngờ để đưa vào giám sát, cách ly và thực hiện giám sát hành khách từ Trung Quốc đến TP.HCM.
H.LAN
BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM:
Mọi người phải cùng hành động, dịch bệnh sẽ sớm đẩy lùi
Công tác phòng, chống dịch Corona tại nước ta đang có nhiều diễn biến thuận lợi. Trước hết, những ngày qua, cả nước ghi nhận tinh thần trách nhiệm chung tay phòng, chống dịch của cả cộng đồng. Cùng với đó là sự khống chế sâu sát và khoanh vùng các ca bệnh mới, nghi nhiễm nCoV đang được các cơ quan chức năng thực hiện rất tốt. Ngoài ra, thời tiết sắp bước vào tháng 3 với khí hậu nóng ấm, đây là thời tiết không thuận lợi cho virus Corona mới hoành hành. Theo đó, nồng độ virus Corona nếu có lưu hành trong môi trường thì với điều kiện nhiệt độ nóng ấm sẽ bị giảm đi, ít nguy cơ lây bệnh hơn.
Tuy nhiên, để có được kết quả này, mọi người phải cùng chung tay thực hiện, không nên lơ là, đẩy tất cả cho hệ thống phòng dịch. Người dân nên thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng dịch Corona.
Về việc điều trị cho người nhiễm virus nCoV, dù chưa có phác đồ điều trị chuẩn và vaccine phòng bệnh, tuy nhiên việc điều trị cho trẻ nhỏ và người lớn không có gì khác. Nếu bệnh nhân chưa có biến chứng, việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và nước là quan trọng nhất.
Ngoài ra, ghi nhận thực tế có một trường hợp nhiễm virus Corona chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ ở Việt Nam (bệnh nhân thứ 13 được phát hiện nhiễm virus Corona) là tín hiệu tích cực cho thấy có thể virus này đã bị biến đổi gen và suy yếu sau khi lây qua nhiều người. Kinh nghiệm phòng, chống dịch cúm A H1N1 và dịch SARS cho thấy các loại virus này sau khi hoành hành và lây chóng mặt một thời gian đã tiến hóa, trở nên “hiền” hơn, trở thành virus cảm lạnh thông thường, thậm chí virus SARS đã biến mất. Số người có miễn dịch và miễn dịch chéo, cộng đồng nhiều hơn.
Ông PHAN TRỌNG LÂN, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM:
Hệ thống giám sát cần phải nhạy trong ngăn chặn, cách ly
TP.HCM đang làm rất tốt công tác cách ly, giám sát những đối tượng nhiễm nCoV và nghi nhiễm nCoV. Song song đó là công tác quản lý cộng đồng, TP đã nhanh chóng điều tra các trường hợp có khả năng nhiễm nCoV từ những người đã xác định nhiễm bệnh. Từ khi phát hiện ba ca đầu tiên nhiễm nCoV, TP.HCM chưa phát hiện các ca mới nhiễm nCoV liên quan đến những người này. Trong khi đó, có 11 nước trên thế giới đã báo cáo có các ca lây lan không rõ nguồn gốc trong cộng đồng (tức không xác định lây bệnh từ người nào).
Tuy nhiên, với mật độ dân cư đông đúc, người đi từ vùng tâm dịch ở ngoài nước và trong nước nhiều và tập trung các BV tuyến cuối với nhiều bệnh nhân từ các nơi, TP.HCM sẽ đối mặt nhiều thách thức trong việc ngăn chặn dịch Corona lây lan trong thời gian sắp tới.
Do đó, hệ thống giám sát cần phải nhạy hơn nữa, có cách ứng phó nhanh, kịp thời cách ly các trường hợp đi từ vùng dịch không chỉ ở ngoài nước mà còn ở trong nước.
H.LAN ghi
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/ung-pho-sao-neu-dich-corona-bung-phat-manh-888576.html