Ứng phó siêu bão Yagi: Thanh Hóa cấm biển từ trưa 6-9

Trước những diễn biến phức tạp của siêu bão Yagi (bão số 3), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ra công điện khẩn, trong đó yêu cầu cấm biển từ 12 giờ ngày 6-9

Chiều 5-9, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, đã có công điện khẩn về công tác chuẩn bị, ứng phó với bão số 3 (siêu bão Yagi) sắp đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Công điện yêu cầu cấm biển từ 12 giờ ngày 6-9, đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức theo dõi, kiểm đếm, kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh, trú an toàn, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi và đến khi bão tan.

Theo báo cáo nhanh, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 6.116 phương tiện, 19.901 lao động nghề biển, hoạt động trên các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Biển đông và tỉnh Thanh Hóa. Đến trưa ngày 5-9, Thanh Hóa vẫn còn 882 phương tiện tàu thuyền với 5.350 lao động hoạt động trên biển. Tất cả các tàu, thuyền đã nhận được thông báo và đang tìm nơi tránh trú bão.

Cũng theo báo cáo, đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã thu hoạch 10.069,2 ha lúa, đạt gần 9%; thu hoạch 861,9 ha ngô, đạt gần 7%; thu hoạch 1.800,4 ha rau đậu, đạt gần 13% diện tích gieo trồng mỗi loại.

Để ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương tuyến biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú.

Bộ đội giúp dân chằng chéo tàu thuyền để ứng phó với bão số 3. Ảnh: BTH

Bộ đội giúp dân chằng chéo tàu thuyền để ứng phó với bão số 3. Ảnh: BTH

Quản lý chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền tại nơi neo đậu. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, khách du lịch lưu trú trong thời gian bão đổ bộ.

Chủ động sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công, các vị trí bờ biển đang có diễn biến sạt lở, xâm thực; cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao, hệ thống lưới điện...

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, siêu bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên cấp 16, giật trên cấp 17. Hồi 14 giờ ngày 5-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông; sức gió mạnh nhất cấp 16 (184-201 km/h), giật trên cấp 17.

Dự báo, bão số 3 sẽ duy trì cấp 16, giật trên cấp 17 cho đến khi di chuyển vào vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam. Dự báo khoảng đêm 6-9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.

Bão Yagi được dự báo có cường độ rất mạnh, hoàn lưu rộng, vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão; mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.

Tuấn Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ung-pho-sieu-bao-yagi-thanh-hoa-cam-bien-tu-trua-6-9-196240905214707792.htm