Ứng phó thiên tai và 'cẩm nang' hành động

Còn nhớ, cuối tháng 9 vừa qua, cả nước dành sự quan tâm lớn đến miền Trung, Tây Nguyên bởi đây là dải đất trực tiếp chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) - một cơn bão được coi là mạnh nhất trong vòng hai thập niên trở lại đây. Mặc dù vẫn có tổn thất nhưng theo đánh giá, thiệt hại do bão Noru gây ra đã được hạn chế ở mức thấp nhất so với cường độ bão khi đổ bộ vào nước ta.

Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ thể hiện sự sát sao, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành, các tỉnh mà còn khẳng định năng lực dự báo, cảnh báo, ứng phó hiệu quả với thiên tai thông qua “cẩm nang” hành động là chủ động, tích cực, quyết liệt, quyết tâm, phòng bị từ sớm, từ xa, huy động sức mạnh tổng hợp để giảm thiểu thiệt hại, chiến thắng thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp.

Lực lượng vũ trang trên địa bàn giúp người dân xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh thu hoạch lúa bị ngập do ảnh hưởng của mưa bão.

Thông thường, vào thời điểm trước khi xảy ra thiên tai, công tác dự báo ở nước ta luôn được tiến hành khẩn trương, khoa học, chu đáo, sát thực tế, điều này càng đúng với cơn bão Noru. Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do tính chất nguy hiểm từ cơn bão, công tác dự báo đã được triển khai từ rất sớm, nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có những chỉ đạo sát sao đối với các đơn vị dự báo khí tượng thủy văn. Có thể thấy, bằng việc vận hành mô hình khu vực có độ phân giải cao nên Việt Nam dự báo cường độ bão sát thực tế hơn các nước.

Trong ứng phó với thiên tai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Sẽ không thể nào quên hình ảnh về cuộc họp lúc 0 giờ của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 với lãnh đạo UBND tám tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum... với mệnh lệnh: “Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là, cứu người dân gặp nguy hiểm luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”. Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã triệu tập cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, dự báo diễn biến của bão, lũ và các biện pháp phòng, chống, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cùng với những chỉ đạo quan trọng, Thủ tướng chỉ thị, không được để người dân đói rét, không có chỗ ở sau bão, lũ...

Từ thực tế ứng phó hiệu quả với cơn bão số 4, có thể thấy, bài học quý cho công tác phòng, chống, ứng phó hiệu quả thiên tai chính là sự chủ động, tích cực, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, hiệu quả, bám sát tình hình ngay từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai các cấp, thực hiện nghiêm phòng, chống lụt, bão theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Thực hành diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022 tại huyện Hạ Hòa với nội dung sơ tán người dân khỏi vùng bị ngập úng.

Song hành với đó, thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình, có tâm huyết, trách nhiệm trong bảo vệ tài sản, tính mạng của Nhà nước, nhân dân; cương quyết, quyết liệt, nhất quán, vận động, di dời nhân dân khỏi vùng nguy hiểm (đây là yếu tố quyết định để không thiệt hại về người); huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống thiên tai, bão, lũ; xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể để chủ động ứng phó phù hợp với thực tiễn. Mỗi người dân luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không hoang mang, lo sợ, bình tĩnh, tự tin, tự lực, tự cường, đoàn kết để chủ động phòng, chống thiên tai, bão, lũ dưới sự lãnh đạo của Đảng và các cấp chính quyền.

Tựu trung lại, để ứng phó, phòng, chống hiệu quả với thiên tai, dông bão, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, phù hợp với tình hình diễn biến ở địa phương. Cán bộ, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên quan tâm, bám sát cơ sở; các địa phương xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống cụ thể, sát thực, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó, đảm bảo cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men phục vụ nhân dân. Rõ ràng, ở một vị trí địa lý như nước ta, bình quân hàng năm có khoảng 10 - 12 cơn bão lớn nhỏ, trong đó miền Trung thường là địa bàn hứng chịu nhiều thiên tai nhất, sự may mắn, bình an trước bão giông không phải tự nhiên mà có, đó chính là sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và trên hết là ý thức thường trực trước thiên tai, thảm họa của mỗi người dân đã khiến cho mọi rủi ro trở nên giảm nhẹ, mọi thiệt hại được hạn chế đi rất nhiều.

Là địa bàn Trung du miền núi, dễ tiềm ẩn diễn biến phức tạp từ thiên tai, thời tiết, vì vậy, với phương châm chủ động, tích cực, sẵn sàng ứng phó, giảm nhẹ thiên tai, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho công tác này. Mới đây, ngày 28/9/2022, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Ban Chỉ huy) đã có Văn bản số 42/BCH-VPTT về việc chủ động chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022, chỉ đạo thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả khi xảy ra thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đó, Trưởng Ban Chỉ huy các huyện, thành, thị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh; tổ chức rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai của địa phương; theo dõi, nắm sát tình hình diễn biến thiên tai trên địa bàn (đặc biệt là các loại hình thiên tai như mưa lũ lớn, giông, lốc, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt), chủ động chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống, bảo đảm phù hợp với thực tế địa phương, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra thiệt hại lớn do chậm trễ, chủ quan trong chỉ đạo, triển khai ứng phó với thiên tai.

Ngoài đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy tỉnh nêu cao vai trò, trách nhiệm; Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc tăng cường chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin nhận định để chủ động triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả, văn bản còn yêu cầu Công ty TNHH nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ chỉ đạo thực hiện các phương án, biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước được giao quản lý... nhằm thực hiện tổng hòa các biện pháp chủ động, tích cực, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với thiên tai trong mọi tình huống.

Hoàng Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/ung-pho-thien-tai-va-cam-nang-hanh-dong/187643.htm