Ứng phó thời tiết cực đoan dịp Tết Nguyên đán
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vào khoảng cuối tháng 1/2025, khả năng xảy ra đợt rét đậm, rét hại, vùng núi cao Tam Đảo xuất hiện băng giá, nhiệt độ thấp nhất từ 8 -10 độ C. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và người dân đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thời tiết cực đoan trong dịp tết Nguyên đán.
Cụ thể, từ ngày 27 đến ngày 31/1/2025 (tức từ 28 tháng Chạp đến mùng 3 Tết), khu vực miền Bắc chịu tác động của đợt không khí lạnh mạnh; trời rét, vùng núi có rét đậm, có nơi mưa phùn.
Căn cứ vào bản tin dự báo, cảnh báo, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, nhân dân biết để chủ động phòng tránh.
Khuyến cáo người dân mặc đủ ấm đảm bảo sức khỏe; không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chống rét đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Chủ động đối phó với thời tiết bất thường, bà Phùng Thị Nga, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) đã tăng cường bổ sung thức ăn giàu đạm, cho gà uống nước ấm, nước điện giải; cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi bằng thay đổi lớp đệm lót nền chuồng, kết hợp với thắp đèn sưởi cho gà cả ngày lẫn đêm.
Bà Nga cho biết: Gia đình đang nuôi hơn 2.000 gà đẻ, đây là nguồn thu nhập chính, vì vậy, gia đình đã chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn, dự trữ chất đốt (củi, trấu, mùn cưa) để sưởi ấm cho đàn gia cầm; gia cố lại chuồng trại, tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y nhằm bảo vệ an toàn đàn gà trong các đợt rét đậm, rét hại.
Bà Vũ Thị Vui, xã Vĩnh Phú (Vĩnh Tường) khi biết tin rét đậm, rét hại sẽ diễn ra trong dịp Tết, bà đã chủ động che phủ mạ bằng nilon. Vụ Đông Xuân 2024-2025, gia đình bà Vui gieo cấy hơn 5 sào với giống lúa chất lượng như TBR225, Hà Phát 3.
Vụ này thường có các đợt rét đậm, rét hại, do vậy, khi gieo mạ, gia đình đã chủ động che phủ 100% diện tích mạ bằng nilon để giữ ấm, bảo vệ mạ; khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C sẽ bón bổ sung tro bếp trên mặt luống giữ ấm cho mạ, đảm bảo sau Tết Nguyên đán cây mạ đạt 2,5 - 3,5 lá sẽ tiến hành gieo cấy trong khung lịch thời vụ tốt nhất.
Hiện nay, các địa phương như Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo đã gieo cấy lúa vụ Đông Xuân; các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc đã gieo mạ. Để chủ động ứng phó thời tiết bất thường, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chủ động phòng chống rét cho mạ, lúa mới cấy bằng các biện pháp như duy trì đủ nước trên mặt ruộng, che phủ nilon 100% diện tích mạ phòng tránh rét.
Theo dõi tình hình thời tiết để điều chỉnh bón phân phù hợp, tuyệt đối không bón phân đạm cho mạ và lúa mới cấy khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C; không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm, rét hại; chuẩn bị đủ cơ số giống cây trồng, vật tư sẵn sàng triển khai phương án khắc phục, phục hồi sản xuất sau rét đậm, rét hại, sương muối gây ra.
Đối với cây rau màu, bón thêm phân kali, phân lân kết hợp ủ gốc bằng mùn, rơm rạ để giữ ấm, giữ ẩm cho cây; chăm sóc, tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng từng cây trong những ngày rét đậm.
Đặc biệt, những ngày có sương muối, giá buốt, người dân cần phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương, tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua; thu hoạch kịp thời cây vụ Đông đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất, chất lượng, đồng thời giải phóng đất sớm để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân.
Đối với cây lâu năm tiến hành ủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiêp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc, rễ cây; khi rét đậm, rét hại tiến hành tưới nước, hun khói ở đầu hướng gió, che cho cây mới trồng để giảm tác hại của rét đậm, rét hại.