Ứng phó với bão số 4: Các tỉnh miền Trung tích cực chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 4

Để ứng phó với cơn bão số 4, các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Thuận, Đà Nẵng... đang gấp rút triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ứng phó.

Ngư dân Phú Yên di chuyển lồng nuôi thủy sản đến nơi an toàn

Để ứng phó với cơn bão số 4, ngư dân các vùng nuôi thủy sản tỉnh Phú Yên đang khẩn trương di chuyển lồng bè đến nơi an toàn để giảm thiểu thiệt hại.

Từ sáng sớm 26-9, tại khu vực Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An), các hộ nuôi tôm hùm giống bắt đầu di chuyển lồng nuôi vào bờ. Tôm hùm giống được đưa vào nuôi tạm trong những thùng xốp. Rút kinh nghiệm từ đợt thiên tai bất thường xảy ra vào cuối tháng 3-2022, bà con không chủ quan mà thực hiện đúng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Người nuôi tôm hùm giống ở xã An Hòa Hải, huyên Tuy An, khẩn trương đưa lồng nuôi vào bờ.

Người nuôi tôm hùm giống ở xã An Hòa Hải, huyên Tuy An, khẩn trương đưa lồng nuôi vào bờ.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống bão số 4, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu: Chính quyền huyện Tuy An hướng dẫn hỗ trợ người nuôi tôm di chuyển toàn bộ số lồng nuôi tôm hùm vào bờ. Khu vực Hòn Yến là vùng biển hở nên nếu có mưa to, sóng lớn sẽ cuốn trôi các lồng bè. Bên cạnh việc di chuyển lồng nuôi, tất cả người làm việc, canh giữ bè tôm phải vào bờ trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Các địa phương như thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thị xã Đông Hòa có 102.523 ô lồng/2.516 bè nuôi trồng thủy sản với hơn 5.600 người người thường xuyên làm việc và canh giữ. Hiện chính quyền các địa phương đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân di chuyển, chằng chống lồng bè an toàn. Ngày 26-9, tỉnh Phú Yên đã thực hiện việc cấm các tàu thuyền ra khơi. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương bám sát dự báo diễn biến của bão số 4 để có phương án sơ tán người dân phù hợp.

Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học từ chiều 26-9

UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm triển khai khẩn cấp, rà soát công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 4. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp. Lãnh đạo thành phố đã thống nhất cho học sinh nghỉ học từ chiều 26 và các ngày 27 và 28-9 để đảm bảo an toàn, đồng thời các địa phương tận dụng trường học làm nơi tránh trú bão cho các hộ dân từ vùng nguy hiểm.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết: Sở đã triển khai sớm các phương án phòng, chống mưa bão. Mực nước các hồ chứa đã được điều tiết và đang ở mức độ trung bình. Toàn thành phố có 769 tàu thuyền đã về neo đậu trong âu thuyền Thọ Quang, còn 7 tàu thuyền trên biển nhưng đã thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hiện còn một số diện tích rau màu chưa được thu hoạch.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Lộc, quận Thanh Khê giúp dân tháo gỡ di dời tài sản trên bãi biển vào sâu đất liền tránh bão số 4.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Lộc, quận Thanh Khê giúp dân tháo gỡ di dời tài sản trên bãi biển vào sâu đất liền tránh bão số 4.

Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn, dự kiến huyện sẽ di dời 28.442 nhân khẩu. Các khu vực có nguy cơ sạt lở là khu vực núi Sọ (xã Hòa Sơn) với 43 hộ; khu Lệ Mỹ (xã Hòa Liên) với 20 hộ, thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) với 80 hộ; thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc) đã được chính quyền địa phương sẵn sàng phương án di dời. Một số khu vực có khả năng ngập úng cục bộ sẽ được chính quyền địa phương lập chốt chặn sau bão để ngăn người dân đi vào khu vực ngập lụt nguy hiểm. Huyện dự kiến trưng dụng 14 điểm trường làm nơi tránh trú bão, nên cần thiết cho học sinh nghỉ học từ chiều 26/9 để dọn dẹp các điểm trường, chuẩn bị nơi lưu trú cho người dân. Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã, thôn tuyên truyền kêu gọi các chủ rừng, người làm rừng khẩn trương ra khỏi rừng để tránh trú bão.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng lưu ý, đây là cơn bão được dự đoán có thể gây thiệt hại lớn, nên các địa phương, đơn vị cần khẩn trương phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó. Đồng thời, chính quyền các cấp thành phố dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung tổ chức phòng, chống bão. Bí thư Thành ủy chỉ đạo chính quyền huyện Hòa Vang đi kiểm tra, đánh giá kỹ các hồ đập trên địa bàn, phân công người trực xử lý trong bão. Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tháo dỡ các biển quảng cáo, phướn quảng cáo trên các tuyến đường. Các địa phương khẩn trương chằng chống cây tại các tuyến đường lớn, có nguy cơ ngã đổ.

Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng phối hợp với quận Ngũ Hành Sơn hạ hết hàng rào tôn tại các công trình thoát nước đang thi công để phòng tránh bị đổ, đặt biển báo cho người dân biết. Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương kiểm tra các tàu thuyền neo đậu, kiên quyết vận động các thuyền viên lên bờ tránh bão. Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn thành phố tích cực tuyên truyền người dân tự tổ chức ứng phó với bão, không ra khỏi nhà khi bão đổ bộ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lưu ý các quận huyện, xã phường tiếp tục rà soát, chuẩn bị kỹ các điểm tập trung tránh trú bão, tổ chức triển khai di dân tại các vùng có nguy cơ cao, hoàn thành trong chiều 27-9. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, nếu bão cập bờ mạnh cấp 12-13 thì sẽ sơ tán tổng cộng 67.077 người dân, nếu bão mạnh cấp 14-17 sẽ sơ tán tổng cộng hơn 107.400 người.

Quảng Trị gấp rút triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, ngày 26-9 lực lượng chức năng và ngư dân tỉnh Quảng Trị đang gấp rút triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ứng phó. Tại bãi tập kết tàu thuyền của xã vùng biển Gio Hải, huyện Gio Linh, hàng chục người dân và lực lượng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt gấp rút đẩy, khiêng các tàu cá ven bờ có công suất từ 8-10 CV từ dưới bãi cát lên các khu đất trống cao nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Bộ đội Biên phòng và người dân xã Giao Hải, huyện Gio Linh di chuyển các ghe, tàu có công suất từ 8-10 CV vào bờ tránh bão.

Bộ đội Biên phòng và người dân xã Giao Hải, huyện Gio Linh di chuyển các ghe, tàu có công suất từ 8-10 CV vào bờ tránh bão.

Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt điều khiển cano đến các cảng cá, yêu cầu tàu di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn.

Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt điều khiển cano đến các cảng cá, yêu cầu tàu di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt đã huy động 100% quân số hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; sắp xếp, neo đậu tàu thuyền; giúp đỡ người dân đưa ghe, tàu lên nơi trú ẩn an toàn; tuyên truyền người dân triển khai các biện pháp chuẩn bị phòng chống bão; chuẩn bị sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn. Mọi công tác được diễn ra gấp rút khẩn trương, quyết liệt nhất với phương châm “4 tại chỗ”.

Tại Khu neo đậu tàu thuyền Nam Cửa Việt, huyện Triệu Phong, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân đã được lực lượng chức năng hướng dẫn, hỗ trợ neo đậu trú tránh bão hết sức khẩn trương. Tàu thuyền được chằng neo đúng vị trí, đảm bảo khoảng cách an toàn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã kêu gọi toàn bộ 2.302 tàu, thuyền với 6.136 thuyền viên vào neo đậu tại các bến an toàn. Từ 19 giờ ngày 25-9, tỉnh Quảng Trị nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; trước 17 giờ ngày 26.9 tàu thuyền phải được sắp xếp tránh trú bão an toàn. Tại các địa điểm neo đậu tàu thuyền, các lực lượng chức năng kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trường hợp cần thiết sẽ thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tỉnh Quảng Trị cũng đã lên các phương án, kịch bản di dân tránh bão và tránh lũ, đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; vận động nhân dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 đến 10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bão, mưa lũ kéo dài.

Bình Thuận lên phương án di dời, sơ tán dân khi bão đổ bộ

Sáng 26-9, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức cuộc họp triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 4. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết tin về bão số 4. Tính đến 10 giờ ngày 26-9, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.552 chiếc với 13.792 lao động. Trong đó, tàu thuyền đánh bắt xa bờ là 368 chiếc với 3.194 lao động, chủ yếu hoạt động ở khu vực Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Dự kiến đến 10 giờ ngày 27-9 sẽ có khoảng 300 phương tiện vào neo đậu tránh trú bão tại cảng trong và ngoài tỉnh. Hiện không có tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực, vùng nguy hiểm.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản hỏa tốc gửi các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc khẩn trương phối hợp với địa phương trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão số 4. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy tỉnh khẩn trương, trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương, đơn vị, ngành phụ trách ngay trong ngày 26-9.

TTXVN và VIỆT CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ung-pho-voi-bao-so-4-cac-tinh-mien-trung-tich-cuc-chuan-bi-ung-pho-voi-con-bao-so-4-706408