Ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. Nông nghiệp là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu và các loại hình tác động của biến đổi khí hậu. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. Nông nghiệp là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu và các loại hình tác động của biến đổi khí hậu. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các ngành chức năng, các địa phương đã tích cực triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh giai đoạn 2016-2020; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất thông minh hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Toàn tỉnh có khoảng 20 nghìn ha đất trồng lúa vùng thấp trũng thường bị ngập úng trong vụ mùa, năng suất thấp; trên 11 nghìn ha đất canh tác chân ruộng cao sản xuất lúa và rau màu hàng năm vào mùa khô đều bị thiếu nước trầm trọng; trên 12 nghìn ha đất canh tác của các địa phương ven biển bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn mặn xâm nhập sâu, canh tác gặp nhiều khó khăn trong vụ xuân dẫn tới việc năng suất thường giảm trên 20% so với những nơi khác. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: rét hại kéo dài, nắng nóng bất thường, hạn hán, mưa bão lớn, úng lụt… làm cho hàng chục nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng mỗi năm. Cùng với các hiện tượng cực đoan về thời tiết, các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy, các bệnh khô vằn, bạc lá, lùn sọc đen… ngày càng phát sinh với mật độ cao trên diện rộng gây thiệt hại mùa màng. Ở vụ mùa 2017, tổng diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen hại lúa của tỉnh là trên 23,2 nghìn ha; trong đó có hơn 9.400ha bị mất trắng, 8.100ha thiệt hại từ 30-70%. Cũng trong vụ mùa năm 2017, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và bão số 4 kết hợp với xả lũ từ các hồ thủy điện đúng cao điểm gieo cấy vụ lúa mùa đã làm 186,6ha diện tích mạ bị thiệt hại; gần 17 nghìn ha lúa mùa bị thiệt hại, trong đó có 10.872ha bị thiệt hại trên 70% diện tích phải gieo cấy lại và 6.123ha bị thiệt hại từ 30-70% diện tích phải cấy dặm… Thực trạng trên buộc ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương không ngừng nỗ lực tìm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các giải pháp kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu. Được sự hỗ trợ của Viện Lúa quốc tế (IRRI), huyện Vụ Bản đã triển khai thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý dinh dưỡng cho cây lúa bằng phần mềm “Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa” tại xã Hợp Hưng. Đây là phần mềm tiên tiến nhất trên thế giới được thiết kế cho cán bộ khuyến nông thu thập thông tin về giống, đặc điểm thổ nhưỡng, hiện trạng đồng đất, cây lúa, sâu bệnh... từ đó đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các phương thức, kỹ thuật chăm bón lúa kịp thời, khoa học nhất. Mô hình cho thấy hiệu quả canh tác lúa cao hơn hẳn về năng suất, chất lượng; giảm được ngày công lao động và lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng so với diện tích đối chứng. Bên cạnh đó, nông dân được tiếp cận, thay đổi thói quen, ứng dụng công nghệ thông tin để sản xuất lúa sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong vụ mùa năm 2019, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) đã đầu tư 500 triệu đồng mua máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh với mọi quy trình đều được lập sẵn. Hiệu quả sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật cho năng suất lao động cao hơn 60 lần so với phun thủ công, khắc phục tình trạng phun trừ sâu bệnh không đồng bộ, không triệt để; tiết kiệm được ngày công lao động, lượng thuốc bảo vệ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con người.
Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thời vụ gieo cấy, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chỉ đạo nông dân tăng cường sử dụng giống ngắn ngày, giống chịu hạn, mặn, úng; điều chỉnh linh hoạt lịch thời vụ phù hợp với những thay đổi về thời tiết, khí hậu so với quy luật cũ nhằm hạn chế tác động của thiên tai, sâu bệnh như: vụ xuân tập trung hầu hết vào trà xuân muộn, vụ mùa sử dụng giống lúa ngắn ngày và gieo cấy sớm để tránh thiên tai, giảm tác hại của sâu bệnh cuối vụ. Các huyện Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản là những địa phương có nhiều chân ruộng cốt đất không đồng đều, thường bị khô hạn vào vụ xuân và úng lụt do mưa lũ trong vụ mùa. Do vậy, các huyện đã chỉ đạo nông dân chuyển sang thực hiện luân canh 3 vụ/năm theo công thức vụ xuân trồng lạc - vụ mùa cấy lúa - vụ đông trồng khoai tây, rau các loại ở những chân ruộng cao gặp khó khăn về nước tưới. Diện tích cấy lúa ở chân ruộng thấp trũng được chuyển sang trồng 1 vụ lúa xuân kết hợp nuôi tôm, cá nước ngọt (mô hình lúa - tôm/cá). Tiêu biểu là xã Yên Hưng (Ý Yên) đã quy hoạch và chuyển đổi trên 120ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả và diện tích đất thùng đào, thùng đấu ven sông sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp và mô hình lúa - cá. Hiện ở khu chuyển đổi của xã có gần 100 hộ dân tham gia sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ như: cá rô phi đơn tính, cá lăng, các loại cá truyền thống; cam đường Canh, thanh long ruột đỏ, sen… Vùng chuyển đổi của xã đạt thu nhập bình quân từ 80 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm cho trên 200 lao động, góp phần tạo chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tại các huyện phía nam tỉnh, nhiều xã, thị trấn thành công với mô hình chuyển đổi những diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn sang trồng cây rau màu như: Giao Phong, Giao Yến (Giao Thủy); Nam Điền, Rạng Đông, Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng)… Là địa phương có nhiều diện tích đất bị nhiễm mặn, canh tác lúa và một số loại rau màu không hiệu quả, nông dân ở thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã mạnh dạn đưa cây dưa lê siêu ngọt vào sản xuất. Nhờ đặc tính thích nghi tốt với chất đất chua mặn nên năng suất dưa lê siêu ngọt bình quân mỗi sào thường đạt trên 1 tấn quả, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 10 triệu đồng/sào/vụ. Hiện diện tích trồng dưa lê ở thị trấn Thịnh Long được mở rộng lên trên 150ha. Nhiều diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn, trũng úng của các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy lại được nông dân chuyển sang nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá bống bớp, tôm thẻ chân trắng, cá lóc bông, cá song, cá diêu hồng… cho lợi nhuận cao gấp 5-10 lần so với trồng lúa.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tiếp tục nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như: thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, quản lý cây trồng tổng hợp ICM, kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI. Nghiên cứu phát triển các giống vật nuôi mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu biến đổi để nâng cao giá trị và thị phần của ngành chăn nuôi. Phát triển các mô hình chăn nuôi hỗn hợp như mô hình vườn - ao - chuồng, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), chăn nuôi công nghệ cao và khép kín; tăng cường giám sát, dự báo và cảnh báo dịch bệnh trên vật nuôi nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh