Ứng phó với COVID-19: Chuẩn bị những kịch bản xấu nhất để điều xấu nhất không xảy ra
Chiều 11/5, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong cả nước về chủ động ứng phó và xử lý dịch COVID-19 trong tình huống khẩn cấp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ, tại Việt Nam trong thời gian gần đây dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng.
Chỉ trong vòng có 2 tuần, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế mắc COVID-19, trong đó có chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” xuất hiện lần đầu ở Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Trên thế giới đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, gây hậu quả cực kỳ to lớn. Tính đến ngày 11/5/2011, thế giới đã có tới 160 triệu ca mắc, trong số đó trên 3,3 triệu người vĩnh viễn ra đi, bao gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta đều đã được chứng kiến thảm cảnh xảy ra ở những nước hùng mạnh nhất trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ và bi kịch sóng thần tiếp tục quét qua các nước như Brazil, Ấn Độ. Chứng kiến thảm kịch của Ấn Độ trên truyền hình, không ai trong chúng ta có thể hình dung điều đó lại đến với một nước tiên tiến trên thế giới. Chúng ta lại càng không muốn điều đó xảy đến với một nước Đông Nam Á nào đó, trong có chúng ta”.
Để chủ động ứng phó và xử lý dịch bệnh COVID-19 trong tình huống khẩn cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc, để hạn chế tối đa thiệt hại cho nhân dân và ngành y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về chủ động ứng phó và xử lý dịch COVID-19 trong tình huống khẩn cấp. Ban Chỉ đạo Quốc gia đã ban hành Công điện 615/CĐ-BCĐQG về việc nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao nhất, Công điện 628/CĐ-BCĐQG về việc giãn cách và xét nghiệm tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối và trường đại học, Công văn số 3775/BYT-KCB về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19. Các văn bản này là hướng dẫn quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Để ngăn chặn điều đó xảy đến, cách tốt nhất chúng ta có thể làm được là thực hiện đúng như những gì Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quỗ gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo, chuyển từ thế phòng ngự sang chủ động tiến công. “Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng những kịch bản xấu nhất để điều xấu nhất không đến với chúng ta”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban Điều trị, Phó Trưởng Tiểu ban an toàn Tiêm chủng, trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 27/4, cả nước đã có 485 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và các bệnh viện, chiếm chiếm 1/6 số ca mắc thời gian qua. Với các chủng mới từ Anh và Ấn Độ, dịch bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh trong giai đoạn này.
“Việc xuất hiện dịch ở khu vực bệnh viện tuyến Trung ương điều trị bệnh nhân COVID-19 và bệnh nhân ung thư là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch lan rộng do các bệnh nhân đến khám bệnh và trở về địa phương”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhận định.
Đến thời điểm này, cả nước đã có 10 bệnh viện bị cách ly, phong tỏa do có bệnh nhân COVID-19, dịch đã lan ra 31 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế đã nhận định tình hình dịch đang rất phức tạp và hiện đã xác định được 4 nhóm phát sinh dịch. Vì vậy, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và yêu cầu chủ động xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện.
“Các bệnh viện cần sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện; tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế, không để lây lan dịch bệnh, nếu không sẽ rất khó khăn trong công tác phòng, chống dịch”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa chỉ ra những hạn chế của một số bệnh viện hiện nay là vấn đề thông khí, việc tuân thủ đúng quy định về phòng, chống dịch như vệ sinh tay, đeo khẩu trang, giãn cách... Theo Thạc sĩ Nguyễn Trong Khoa, thời điểm này, chỉ cần buông lỏng là nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Vì vậy, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các Sở Y tế thực hiện nghiêm các chỉ đạo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế, chọn ít nhất một cơ sở làm địa điểm điều trị bệnh nhân COVID-19.
Việc chọn một đơn vị điều trị tập trung sẽ góp phần giảm nguồn lực chăm sóc bệnh nhân, giảm chi phí, tiêu hao trang thiết bị, khẩu trang chuyên dụng, bộ đồ bảo hộ. Các địa phương phải có phương án chủ động đề khi có dịch xảy ra bệnh viện này đi vào hoạt động được luôn. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn, đánh giá thực hành phòng chống lây nhiễm.
“Các đồng chí lãnh đạo Sở cần trực tiếp đi kiểm tra các bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm cao. Đồng thời tập trung triển khai bệnh viện, phòng khám an toàn, kiên quyết đóng cửa các cơ sở y tế không đạt các điều kiện về an toàn...”, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi về các nội dung: Giãn cách và cách ly trong bệnh viện; Bệnh viện dã chiến; Chiến lược về xét nghiệm; Kiểm soát nhiễm khuẩn; An toàn tiêm chủng vaccine.