Ứng phó với hạn hán ở Tây Nguyên - Bài cuối: Giải pháp canh tác nào?

Tây Nguyên là vùng sản xuất nông nghiệp lớn thứ 2 của cả nước sau Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su… cùng nhiều loại cây trồng khác.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán trong mùa khô ngày càng phức tạp, cực đoan đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Để ứng phó với tình hình hạn hán, ngoài giải pháp phát triển thủy lợi thì tại nhiều vùng ở Tây Nguyên bà con đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức canh tác để duy trì sản xuất hiệu quả, bền vững.

Nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm

Hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước của nông dân tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước của nông dân tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Theo Tiến sỹ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, để giải quyết vấn đề khô hạn, với người dân không có biện pháp gì hơn là trong canh tác phải tiết kiệm nguồn nước để tưới cho cây trồng.

Tây Nguyên có thế mạnh phát triển cây công nghiệp dài ngày mà chủ yếu là cây cà phê (gần 600 nghìn ha) nên hàng năm sử dụng nước tưới rất nhiều. Hiện nông dân vùng Tây Nguyên vẫn chủ yếu dùng phương pháp tưới dí (dùng vòi tưới trực tiếp vào gốc) hoặc tưới phun mưa cho cây cà phê.

Phương pháp này vừa tốn công và tốn rất nhiều nước, phải dùng đến cả nghìn lít nước/cây. Vì vậy, khi nắng hạn kéo dài, ao hồ, sông suối cạn kiệt, nước ngầm xuống thấp sẽ không đảm bảo đủ lượng nước tưới dẫn đến cây trồng giảm năng suất hoặc mất trắng.

Việc ứng dụng, áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học; trong đó, có phương pháp tưới tiết kiệm sẽ giảm bớt áp lực của tình trạng khô hạn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đồng thời, giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WaSi) cũng đã nghiên cứu và cho ra đời hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc.

Qua nghiên cứu của Wasi cho thấy, khi áp dụng hệ thống tưới tiết kiện trên 1ha cà phê sẽ tiết kiệm được 20% lượng nước tưới, 20% lượng phân bón, 30% công lao động. Để lắp hoàn thiện một hệ thống tưới tiết kiệm cho 1 ha cà phê cũng chỉ tốn khoảng 80 -100 triệu đồng. Thời gian tới, người dân nên áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nhiều hơn.

Những năm qua, nhiều nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp ở vùng Tây Nguyên đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm (nhỏ giọt hoặc phun sương tại gốc) và chứng minh hiệu quả rõ ràng. Được sự tài trợ của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), hộ ông Lê Thân ở thôn Đông Lạc, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng đã triển khai hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn cà phê của gia đình.

Để tưới 2 ha cà phê, ông Thân đã xây 1 bể chứa nước hơn 10m3 nước, hệ thống máy bơm, đồng hồ đo nước và các van chia ra nhiều hướng khác nhau. Đồng thời, một hệ thống ống nước nhỏ được chôn bên cạnh gốc cà phê, dưới mặt đất khoảng 2-5cm, tạo thuận lợi cho việc tưới nhỏ giọt.

Trước đây, gia đình ông quen với hình thức tưới truyền thống là tưới “dí” khiến lượng nước hao tốn nhiều; trong khi đó, khi bón phân cho cây cà phê phải chờ trời mưa, nên thiếu chủ động trong bón phân và lượng nước tưới.

Sau khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm lượng nước tưới, phân bón (bón đúng bón đủ) đã được kiểm soát. Phương pháp này giúp nông dân chúng tôi tiết kiểm chi phí, tăng năng suất trên một diện tích cây trồng - ông Thân cho biết.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay tỉnh có 28.000 ha cây trồng triển khai tưới tiết kiệm (chiếm 10% diện tích canh tác); mục tiêu đến năm 2020 là đạt 45.000 ha.

Hiện hầu hết, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đều khuyến khích, có hình thức hỗ trợ nhất định để người dân nhân rộng tưới tiết kiệm. Điển hình như dự án VnSat hỗ trợ các Hợp tác xã sản xuất cà phê 50% chi phí lắp đặt thiết bị…

Mặc dù vậy, do tập quán canh tác, tài chính nên bà con sử dụng tưới tiết kiệm chưa nhiều. Tuy nhiên trong tương lai, tưới tiết kiệm là hướng đi tất yếu, là một trong những giải pháp hiệu quả để ứng phó với hạn hán, thiếu nước tưới do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Quản lý quy hoạch gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được xem là những giải pháp có ý nghĩa rất lớn trong việc ứng phó với khô hạn, thiếu nước tưới trong bối cảnh hạn hán đang diễn biến phức tạp tại Tây Nguyên.

Theo Tiến sỹ Trần Vinh, hiện hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đã “vỡ trận” về quy hoạch cây trồng. Cây nào có giá trị kinh tế cao thì người dân lại trồng hàng loạt, không theo quy hoạch, phớt lờ khuyến cáo của các nhà khoa học, cơ quan chức năng. Minh chứng rõ nhất là việc phát triển ồ ạt cây hồ tiêu trong những năm gần đây.

Tại Đắk Nông, hiện tích hồ tiêu khoảng 36.000 ha đã vượt hơn 2,5 lần so với định hướng quy hoạch cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 10.000 ha. Tại Đắk Lắk, diện tích hồ tiêu cũng đã lên tới 39.000 ha, vượt xa so với quy hoạch chung.

Nhiều loại cây trồng được bà con phát triển ở những vùng có chân đất không phù hợp, không bảo đảm nguồn nước tưới nên phát triển còi cọc, năng suất không cao, thậm chí mất trắng khi gặp thời tiết khô hạn là điều hiển nhiên.

Tuy nhiên, nhà nước phải thực hiện quy hoạch chi tiết và tuyên truyền cho người dân tuân thủ. Ở những vùng thiếu nước ngành nông nghiệp nên khuyến cáo bà con chuyển đổi sang những lại cây trồng khác ít sử dụng nước hơn.

Riêng đối với cà phê - cây trồng chủ lực nhất ở Tây Nguyên hiện nay, các tỉnh không nên mở rộng thêm diện tích mà nên áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất như giống mới, tiết tiết kiệm, canh tác theo hướng hữu cơ để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn ứng phó được với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp - Tiến sỹ Vinh khuyến cáo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi, ngoài các giải pháp phòng, chống hạn chế hạn hán trước mắt, tỉnh cũng xem công tác quản lý quy hoạch nông nghiệp là giải pháp lâu dài.

Vì vậy, tỉnh đã ban hành 2 đề án quan trọng về phát triển kinh tế nông nghiệp là: Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Theo đó, giai đoạn từ năm 2018 - 2030, Đắk Nông sẽ đầu tư nguồn vốn gần 13.400 tỷ đồng để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hiện tỉnh cũng đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đặc biệt là cây lúa khó khăn về nguồn nước sang cây trồng cạn có nhu cầu nước thấp hơn như khoai lang, bắp, đậu tương, lạc rau màu,....

Các nhà khoa học tại Viện Wasi cũng khuyến khích bà con nên áp dụng đồng bộ các giải pháp khác trong canh tác như sử dụng các giống mới chịu hạn, trồng xen canh. Hiện Bộ Nông nghiệp đã ban hành quy trình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, nên thời gian tới bà con nên tìm hiểu, áp dụng theo đúng quy trình để sản xuất bền vững, vừa tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng cường độ che phủ mặt đất, giảm sự thoát hơi nước, tăng độ ẩm của đất lên thì giảm lượng nước tưới cho cây cà phê.

Nhóm phóng viên các CQTT Tây Nguyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/ung-pho-voi-han-han-o-tay-nguyen-bai-cuoi-giai-phap-canh-tac-nao-20190330110012804.htm