Ứng phó với nguy cơ hạn hán trong vụ xuân 2020: Chủ động các giải pháp
Hà Nội sẽ gieo trồng 112.000ha vụ xuân 2020
(HNM) - Vụ xuân 2020 tiếp tục được dự báo rất khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội cùng các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó với khả năng hạn hán, thiếu nước làm đất, gieo cấy và tưới dưỡng cho cây trồng.
Nguy cơ thiếu nước sản xuất
Hiện, nông dân các xã: Đại Mạch, Võng La, Kim Chung… của huyện Đông Anh (Hà Nội) đang tập trung dọn ruộng đồng, chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân sắp tới. Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Phương, nông dân xã Võng La cho biết: “Quan sát mực nước sông Hồng thời gian gần đây xuống thấp, cửa dẫn vào Trạm bơm dã chiến Ấp Bắc bồi lắng… chúng tôi lo lắm! Chỉ mong các cấp, các ngành có giải pháp cấp đủ nước cho nông dân làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ”.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra công tác lắp đặt, vận hành Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm (huyện Mê Linh).
Chia sẻ nỗi lo của bà con nông dân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, năm nay, tổng lượng mưa tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ thấp hơn so với nhiều năm trước. Dự báo, từ tháng 12-2019 đến tháng 3-2020, lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ đạt 20-40mm/tháng; nguồn nước trên các sông, suối tiếp tục thiếu hụt. Cụ thể, trên lưu vực sông Đà thiếu hụt 20-60%, sông Thao thiếu hụt 20-50%, sông Lô - Gâm - Chảy đến hồ chứa Thác Bà và Tuyên Quang thiếu hụt 10-30%; hạ lưu sông Lô thiếu hụt 30-80%; hạ lưu sông Hồng thiếu hụt 20-30%, so với trung bình hằng năm. Đặc biệt, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội, đoạn tại cầu Long Biên có khả năng chỉ ở mức 0,2-0,3m, xuất hiện vào cuối tháng 2 hoặc tháng 3-2020.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải, vụ xuân 2020, Hà Nội gieo cấy 90.000ha, trong đó hơn 70.000ha phụ thuộc nguồn nước từ sông Hồng, gần 20.000ha phụ thuộc nguồn nước các hồ thủy lợi. Tính đến ngày 30-11-2019, dung tích các hồ chứa trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 80%. Như vậy, để các trạm bơm đủ điều kiện vận hành, Hà Nội cần mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội, đoạn cầu Long Biên đạt từ 1,4m trở lên.
Mực nước các hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Hồng đang thiếu hụt so với dung tích thiết kế khoảng 7,5 tỷ mét khối. Để duy trì mực nước sông Hồng như kế hoạch của Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ phải xả khoảng 5 tỷ mét khối nước tại các hồ thủy điện... "Với khối lượng nước thiếu hụt và xả phục vụ sản xuất nông nghiệp như vậy, các nhà máy thủy điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nguồn nước để phát điện trong mùa hè 2020. Vì vậy, chúng tôi rất cần các địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội có giải pháp lấy nước, sử dụng hiệu quả nguồn nước”, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia Vũ Xuân Khu cho biết.
Nhiều giải pháp ứng phó
Để bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân, ông Đào Quang Khải cho biết: Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng 2 kịch bản và các giải pháp lấy nước. Kịch bản thứ nhất: Các hồ thủy điện xả đúng kế hoạch 18 ngày và duy trì mực nước sông Hồng theo đúng thông báo của Bộ NN&PTNT. Kịch bản thứ hai: Các hồ thủy điện không xả đủ 18 ngày; mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội, đoạn cầu Long Biên không đạt 2m và thời gian dưới 1m kéo dài.
“Với kịch bản thứ nhất, các doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội hoàn toàn có khả năng cấp đủ nước phục vụ làm đất, gieo cấy. Nhưng với kịch bản thứ hai, các doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội sẽ cần nhiều thời gian bơm nước, ảnh hưởng thời vụ sản xuất. Hiện nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang chỉ đạo các doanh nghiệp, địa phương tập trung ứng phó với tình huống thứ hai...”, ông Đào Quang Khải thông tin.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải, trong trường hợp mực nước sông Hồng xuống thấp, công ty sẽ hạ thấp cao trình đặt máy hoặc lắp đặt các tổ máy bơm dã chiến cấp 2 để cấp cho Trạm bơm chính Phù Sa đủ vận hành tối thiểu 1 tổ máy... Còn Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Nguyễn Văn Hải nêu phương án, khi đó công ty sẽ cho nối dài ống hút Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm; đồng thời, nạo vét, khơi thông kênh dẫn bảo đảm trạm vận hành với mực nước bể hút đạt 1,2m. Trong trường hợp vẫn chưa bảo đảm vận hành cấp nước, công ty sẽ tiếp tục hạ thấp cao trình đặt máy xuống 4,5m…
Để sử dụng hiệu quả nguồn nước của các hồ thủy điện, cấp đủ nước phục vụ sản xuất, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố quản lý chặt chẽ nguồn nước hồ thủy lợi; chủ động lấy nước sớm, tích trữ vào các khu trũng và hệ thống kênh mương; tổ chức nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh; lắp đặt trạm bơm dã chiến…
Hiện, các địa phương đã chỉ đạo các xã cải tạo hệ thống thủy lợi, kịp thời thông báo lịch lấy nước phục vụ sản xuất. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, huyện đã tuyên truyền, nâng cao ý thức của nông dân trong bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước; trong đó, tập trung xuống giống, gieo cấy đúng lịch thời vụ, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán vào giữa và cuối vụ. Đối với những vùng khó khăn về nguồn nước, các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng cạn, ít tiêu hao nước, như: Rau, đậu, ngô, lạc…
Cũng như các địa phương khác, huyện Đông Anh đã chỉ đạo 22 xã trên địa bàn phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội chuẩn bị ra quân nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương, bể hút, bể xả các trạm bơm tưới, tiêu… bảo đảm đủ nước tưới cho 7.435ha gieo cấy. “Cùng với đó, huyện thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chống hạn trên địa bàn các xã”, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Trần Đình Ngọc thông tin.