Ứng phó với sự leo thang của giá cước vận tải biển
Trước tình trạng giá cước vận tải leo thang ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều giải pháp đã được ngành Công thương đưa ra.
Trong Công văn mới nhất gửi các Hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu; các Hiệp hội logistics; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam..., Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cục bộ tại một số cảng khu vực châu Á, thiếu container rỗng đã có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương lưu ý các Hiệp hội và doanh nghiệp (DN) gia tăng phối hợp, tập hợp DN hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu. Việc này nhằm giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay. Đồng thời, phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế.
"Bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, DN xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu" - Bộ Công thương đề xuất đồng thời khuyến nghị các DN tăng cường tận dụng ưu đãi của các FTA, nhằm tạo thuận lợi thương mại, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này. Các DN xuất nhập khẩu phối hợp với cơ quan hải quan, DN khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng, thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hóa tại cảng.
Cùng với đó, hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm cho DN vừa và nhỏ: Các hiệp hội ngành hàng phối hợp với VCCI tăng cường tuyên truyền và nâng cao năng lực của DN xuất nhập khẩu vừa và nhỏ trong đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán ngoại thương và hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ DN trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố. Đặc biệt với hàng hóa đường biển đi qua tuyến đường có mức độ rủi ro cao. DN xuất nhập khẩu và Hiệp hội chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố phức tạp, khó lường tương tự trong tương lai.
Hiện, giá cước vận chuyển container từ châu Á đến Bờ Tây của Mỹ đang ở mức cao nhất trong năm với 7.300 USD đến gần 8.000 USD cho mỗi container 40 feet .
Nguyên nhân giá cước tăng chủ yếu do các hãng vận tải buộc phải dừng lộ trình qua kênh đào Suez khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công vào các tàu trên Biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và làm tăng chi phí.
Là quốc gia có hoạt động thương mại quốc tế lớn, trong đó có lượng hàng xuất khẩu đi Mỹ và EU lớn, các DN Việt Nam chịu nhiều tác động từ tăng giá cước vận tải biển. Tác động càng lớn hơn khi hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các Mỹ, EU... đều phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.
Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba) cho biết trước đây các hãng tàu báo giá cước container cho thời gian từ 15-30 ngày, nhưng hiện chỉ báo giá theo tuần. Giá cước có xu hướng tăng nhanh và liên tục, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày. Với những biến động của giá cước hiện nay, ông Long cho rằng các DN bị ảnh hưởng nhiều nhất chủ yếu là DN nhỏ, ký hợp đồng thuê tàu ngắn hạn.
“Còn với các DN lớn có chân hàng ổn định, các hãng tàu thường ký hợp đồng dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm nên sẽ không chịu nhiều tác động của biến đổi giá cước” - ông Long nói.
Thời gian qua, tình trạng giá cước vận tải biển tăng cao đã khiến cộng đồng DN điêu đứng.
Chuyên xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi sang nhiều thị trường trên thế giới, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Tươi (huyện Bình Chánh) Võ Thanh Châu bày tỏ lo lắng: Nhiều lô hàng xuất đi châu Âu, đến phút cuối lại bị hoãn vì không có tàu. Các công ty dịch vụ logistics báo giá cước tăng liên tục trong khi giá đơn hàng đã hợp đồng từ trước. Thực tế này khiến DN không kịp xoay xở.
Với các DN xuất khẩu trái cây tươi, việc giá cước liên tục leo thang thời gian qua đẩy DN rơi vào thế khó bởi, nếu trì hoãn việc xuất khẩu, nông sản trái cây sẽ hư hỏng, gây ra thiệt hại rất lớn. Còn nếu thuận theo giá cước điều chỉnh tăng, thì DN cũng sẽ không còn lợi nhuận. Chính bởi vậy, DN bị rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Ngoài các giải pháp được ngành Công thương đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn về giá cước vận tải biển, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN cần nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tránh việc phải phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; đồng thời, tăng cường hợp tác với các DN nội ngành để chia sẻ chi phí vận tải, đàm phán giá cước vận tải tốt hơn với các hãng tàu; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, DN cũng cần đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh áp dụng các giải pháp logistics hiệu quả để giảm thiểu gánh nặng chi phí cước vận tải.