Ứng phó với tình trạng thiếu nước sản xuất
Hiện hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mực nước tích trữ rất thấp.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có 2.887 công trình thủy lợi; trong đó có 458 hồ chứa, 1.070 đập dâng, phục vụ nước tưới tiêu cho hơn 41.700 ha đất sản xuất nông nghiệp. Điều đáng chú ý, hiện hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mực nước tích trữ rất thấp (lượng nước tích trữ trung bình trong các hồ chứa lớn đạt khoảng 20 - 25% tổng dung tích trữ, các hồ chứa nhỏ lượng nước trung bình dưới 20% tổng dung tích trữ), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Trước tình hình trên, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các các huyện, thành phố tập trung vào việc kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng và lập danh mục các công trình thủy lợi được giao quản lý bị thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2023 vượt quá khả năng tự chủ động khắc phục của địa phương, đề xuất phương án, giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo công trình cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh tăng cường kiểm tra và tổ chức giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối; xây dựng kế hoạch tưới cụ thể, có biện pháp phân phối, điều hòa nước hợp lý, đắp trữ nước ở các mương tiêu, các khe, lạch để có nguồn nước tưới chủ động chống hạn. Đồng thời, sửa chữa rò rỉ các đập đầu mối; xử lý rò rỉ ở các van cống lấy nước, cống điều tiết.
Tổ chức kiểm tra, sửa chữa hư hỏng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhiên liệu để phòng, chống khi có hạn xảy ra. Đối với các trạm bơm ven sông Lô, sông Gâm các Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi cơ sở cần thường xuyên theo dõi và bám sát lịch xả nước theo thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để tập trung lấy đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ mùa, vụ đông 2023 được kịp thời.
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các địa phương tổ chức phát dọn, nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương, bịt tất cả các vị trí rò rỉ, đảm bảo nước chảy thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng. Đối với các công trình đang thi công dở dang tập trung chỉ đạo thi công dứt điểm, công trình hoàn thành đến đâu kịp thời đưa vào vận hành, khai thác phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngay đến đó.
Đối với những diện tích khả năng nguồn nước không đảm bảo tưới suốt vụ, các địa phương cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng sử dụng ít nước hơn để đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các địa phương rà soát nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến các vùng nuôi trồng thủy sản, bố trí mùa vụ nuôi phù hợp, bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại do tác động của hạn hán; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản như nuôi loài có khả năng sinh trưởng, kháng bệnh cao, dễ thích nghi với biến đổi môi trường nuôi.
Theo Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân các hồ chứa thiếu hụt nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là do ảnh hưởng của El Nino, gây thiếu hụt lượng mưa (lượng mưa năm nay thấp hơn nhiều so với những năm trước) nên trữ lượng nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang thấp hơn so với cùng kỳ các năm./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-pho-voi-tinh-trang-thieu-nuoc-san-xuat/294780.html