Ứng phó xâm nhập mặn trong mùa khô

Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong mùa khô năm 2024-2025 ở khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các địa phương và người nông dân đang thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Cống thủy lợi tuyến đê biển An Biên-An Minh tại xã Thuận Hòa và An Minh (tỉnh Kiên Giang), ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. (Ảnh HUY HẢI)

Cống thủy lợi tuyến đê biển An Biên-An Minh tại xã Thuận Hòa và An Minh (tỉnh Kiên Giang), ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. (Ảnh HUY HẢI)

Tiền Giang là một trong những địa phương khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long hằng năm chịu tác động nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Ðể sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn, các cấp chính quyền chủ động tăng cường dự báo và xây dựng kế hoạch ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Năm 2024, mặn đến sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng. Trước đó vào giữa tháng 12/2024, độ mặn đo được tại thành phố Mỹ Tho (cách biển 45 km) là hơn 0,5 g/l. Từ thiệt hại ở các vụ lúa trước do ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, năm 2025, nhiều nông dân trong tỉnh không xuống giống muộn vụ đông xuân 2024-2025 theo khuyến cáo để chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, xã Tân Ðiền, huyện Gò Công Ðông có 0,7 ha lúa ở giáp biển cho nên thường xuyên thiếu nước vào cuối vụ. Bà Hằng cho biết: "Mùa khô năm 2015-2016, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp dù các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nông dân không xuống giống lúa đông xuân nhưng nhiều hộ vẫn gieo sạ. Khi cây được gần hai tháng, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn cho nên lúa bị khô bông, thiệt hại gần như toàn bộ. Năm 2025, diễn biến xâm nhập mặn tăng bất thường mặc dù gia đình đã thuê máy móc làm đất, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống nhưng phải dừng lại để chuyển sang trồng dưa leo".

Gò Công Tây là huyện nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang, hằng năm nơi đây bị tác động trực tiếp từ hạn hán, xâm nhập mặn. Vì vậy, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó từ rất sớm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết: "Ðể phòng chống hạn mặn trong mùa khô năm 2025, địa phương triển khai đồng loạt các dự án công trình và phi công trình. Ngoài ra, các xã huy động lực lượng, phương tiện tập trung khơi thông dòng chảy, vớt lục bình; kiểm tra, xử lý rò rỉ tại các cống, kênh lớn bảo đảm ngăn mặn triệt để; bơm chuyển nước từ các kênh trục vào nội đồng, kênh sườn trong trường hợp xâm nhập mặn diễn ra gay gắt".

Cục Thủy lợi cho biết, khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long trong tháng 1/2025, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công tại trạm Kratie có xu thế giảm nhanh và dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Ðốc biến đổi theo triều cường. Xâm nhập mặn tại khu vực này đạt giá trị cao nhất trong kỳ triều cường từ ngày 27 đến 31/1. Theo đó, ranh mặn 4 g/l lớn nhất vùng cửa sông Cửu Long từ 39 đến 60 km, cao hơn 6 đến 15 km so với trung bình nhiều năm. Dự báo xâm nhập mặn trong tháng 2/2025 ở các cửa sông Cửu Long ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập từ 45 đến 60 km, cao hơn từ 1 đến 3 km so với năm 2024, ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 45 đến 50 km trong các kỳ triều cường. Trên sông Vàm Cỏ Ðông và Vàm Cỏ Tây ranh mặn 4 g/l lớn nhất ở mức 65 đến 70 km, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 60 đến 65 km trong các kỳ triều cường.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, theo dự báo đầu tháng 2, độ mặn lớn hơn 1 g/l sẽ xâm nhập đến khu vực xã Xuân Ðông, huyện Chợ Gạo và duy trì thời gian dài cho nên cống Xuân Hòa có khả năng chuyển sang vận hành lấy gạn, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết: "Ðể ứng phó tốt với hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất vụ lúa đông xuân 2024-2025, tỉnh đã yêu cầu các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Ðông và thành phố Gò Công tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục gieo sạ vụ lúa đông xuân 2024-2025 sau ngày 20/12/2024; khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng rau màu đối với những diện tích chưa gieo sạ để bảo đảm sản xuất; kịp thời hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm và thực hiện các giải pháp canh tác lúa trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp".

Ngoài ra, tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành chủ động đánh giá nguồn nước trên sông, kênh, rạch và nội đồng để thông báo kịp thời cho người dân chủ động ứng phó. Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang khẩn trương thực hiện việc sửa chữa các công trình cống bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả; phối hợp các địa phương triển khai phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước tưới để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý…

Viện Khoa học thủy lợi miền nam cho biết, dự báo mặn xâm nhập trong mùa kiệt 2024-2025 vùng Ðồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Trong đó, từ tháng 2 đến tháng 4 là thời kỳ mặn cao, vì vậy các địa phương ven biển cần chủ động các giải pháp ứng phó phòng chống hạn mặn phù hợp điều kiện của vùng. Nguồn nước vùng thượng Ðồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn chủ yếu ở các địa phương như Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang); vì vậy nhân dân cần thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước; vùng giữa nguồn nước cơ bản bảo đảm nhưng cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước; khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Ðối với vùng ven biển xâm nhập mặn bất thường có thể ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất. Ðể bảo đảm sản xuất các tháng mùa khô các địa phương và người dân cần tăng cường giám sát mặn, tranh thủ tích nước mỗi khi có thể, bơm gạn nước ngọt khi triều rút; hạn chế tiêu thoát nước và sử dụng tiết kiệm nước; giám sát chặt chẽ chất lượng nước, tranh thủ lấy nước cho sản xuất khi bảo đảm…

BẢO HÂN - NGUYỄN SỰ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ung-pho-xam-nhap-man-trong-mua-kho-post860568.html