Ung thư buồng trứng có chữa được không?
Ung thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?
Nội dung
1. Khả năng chữa khỏi cao nếu ung thư buồng trứng được phát hiện sớm
2. Điều trị ung thư buồng trứng như thế nào?
3. Có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng tiến triển hoặc tái phát không?
1. Khả năng chữa khỏi cao nếu ung thư buồng trứng được phát hiện sớm
Ung thư buồng trứng là sự hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng của buồng trứng. Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư di căn qua đường máu hoặc đường bạch huyết tới nhiều cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u mới.
Mặc dù thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng nhưng ung thư buồng trứng cũng có thể có một số dấu hiệu và triệu chứng. Phụ nữ có nhiều khả năng có các triệu chứng khi bệnh đã lan rộng, nhưng ngay cả ung thư buồng trứng giai đoạn đầu cũng có thể gây ra các triệu chứng này.
Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: Đầy hơi; đau vùng chậu hoặc bụng; khó ăn hoặc nhanh no; các triệu chứng về tiết niệu như buồn tiểu gấp (luôn cảm thấy muốn đi tiểu) hoặc tiểu nhiều lần (phải đi tiểu thường xuyên)…
Những triệu chứng này cũng thường do các bệnh lành tính và do ung thư các cơ quan khác gây ra. Khi chúng do ung thư buồng trứng gây ra, chúng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn. Do đó, việc chú ý kịp thời đến các triệu chứng sớm có thể cải thiện khả năng chẩn đoán sớm và điều trị thành công.
Theo TS.BSCKII. Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương, ung thư buồng trứng có khả năng chữa khỏi cao nếu được phát hiện sớm và chỉ giới hạn ở buồng trứng (giai đoạn 1), tùy thuộc vào loại ung thư buồng trứng.
Để phát hiện sớm ung thư buồng trứng, chị em phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Ung thư buồng trứng phát hiện sớm, kích thước nhỏ có thể phẫu thuật nội soi và bóc tách, ít ảnh hưởng tới sức khỏe.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ lưu ý rằng bệnh nhân có tỷ lệ sống sót sau 5 năm trung bình là 93%. Đó là lý do tại sao việc tham khảo ý kiến bác sĩ khi có dấu hiệu đầu tiên của bất kỳ triệu chứng nào là rất quan trọng.
2. Điều trị ung thư buồng trứng như thế nào?
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết, một số phương pháp điều trị chỉ có tác dụng tại chỗ, nghĩa là chúng chỉ điều trị khối u mà không ảnh hưởng đến phần còn lại của cơ thể. Các loại liệu pháp tại chỗ được sử dụng cho bệnh ung thư buồng trứng bao gồm phẫu thuật và xạ trị.
Trong đó, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các loại ung thư buồng trứng. Mức độ phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân.
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có một số loại khối u nhất định và ung thư đang ở giai đoạn đầu, có thể điều trị bệnh mà không cần cắt bỏ cả buồng trứng và tử cung.
Thuốc dùng để điều trị ung thư buồng trứng được coi là liệu pháp toàn thân vì chúng có thể tiếp cận các tế bào ung thư ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể. Chúng có thể được dùng bằng đường uống hoặc đưa trực tiếp vào máu.
Tùy thuộc vào loại ung thư buồng trứng, các loại thuốc điều trị khác nhau có thể được sử dụng, bao gồm: hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp thuốc nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch.
3. Có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng tiến triển hoặc tái phát không?
Những người đang bị hoặc đã từng bị ung thư buồng trứng thường muốn biết liệu có biện pháp nào (ví dụ như tập thể dục hoặc chế độ uống) có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tiến triển hoặc tái phát hay không?
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ hoạt động thể chất nhiều hơn sau khi được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng có thể sống lâu hơn. Hiện có nhiều nghiên cứu đang được thực hiện trong lĩnh vực này.
Về thực phẩm bổ sung, cho đến nay chứa có thực phẩm bổ sung nào (bao gồm vitamin, khoáng chất và các sản phẩm thảo dược) được chứng minh là có thể giúp giảm rõ ràng nguy cơ ung thư buồng trứng tiến triển hoặc tái phát.
Việc áp dụng các biện pháp như ăn uống lành mạnh, không hút thuốc và duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể giúp ích, mặc dù chưa chắc chắn nhưng những thay đổi này có tác động tích cực đến sức khỏe.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ung-thu-buong-trung-co-chua-duoc-khong-169241120160447084.htm