Ung thư phổi-Nguy cơ mắc bệnh cao
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến nhất, chiếm khoảng 1/3 số ca tử vong do ung thư, và đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư ở cả nam và nữ. Mặc dù tỷ lệ bệnh đối với nam giới đang giảm, nhưng tỷ lệ ở phụ nữ vẫn tiếp tục tăng.
Đáng lo ngại hơn là sự gia tăng về tỷ lệ mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) ở những bệnh nhân không hút thuốc, hoặc có tiền sử hút thuốc tối thiểu <10-15 gói/năm.
Nguyên nhân
Hút thuốc lá là nguyên nhân của 85-90% trường hợp ung thư phổi. Nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc lá cao gấp 30 lần so với người không hút thuốc. Hút thuốc thụ động có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi gấp đôi. Bên cạnh đó, bụi amiăng có liên quan đến nguyên nhân gây ung thư trung mô ác tính.
Phơi nhiễm amiăng cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt ở những người hút thuốc (nguy cơ cao gấp 3 lần so với chỉ hút thuốc). Ngoài ra, phơi nhiễm phóng xạ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi tế bào nhỏ ở cả người hút thuốc và người không hút thuốc. Tia radon có liên quan đến 6% trường hợp ung thư phổi. Các chất khác liên quan đến ung thư phổi bao gồm asen, niken, hợp chất crom, chloromethyl ether và các chất ô nhiễm không khí.
Hiện nay ung thư phổi có 2 loại chính: Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) và là tế bào nhỏ (SCLC). Loại ung thư phổi phổ biến nhất là NSCLC, chiếm 8,5/10 ca trong số các bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán. Có 3 kiểu mô học NSCLC: Thứ nhất, ung thư biểu mô tế bào tuyến, xuất hiện trong các tế bào xếp thành phế nang (túi khí nhỏ) trong phổi.
Đây là kiểu phổ biến nhất. Thứ hai, ung thư biểu mô tế bào vảy (gai) xuất hiện trong các tế bào phẳng lót bên trong đường dẫn khí trong phổi. Thứ ba, ung thư biểu mô tế bào lớn (không phân biệt) bắt đầu trong các tế bào lớn có thể phát triển ở bất cứ đâu trong phổi.
Triệu chứng và dấu hiệu
Triệu chứng: phần lớn bệnh nhân nguyên phát ở ngực (ho khan, khàn giọng, ho ra máu, đau ngực, khó thở, viêm phổi), bệnh di căn (khối hạch mới, đau xương, gãy xương bệnh lý, đau đầu, co giật), hoặc hội chứng cận ung thư (chán ăn, sụt cân, buồn nôn do tăng canxi máu). Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể hoàn toàn không có triệu chứng và tình cờ phát hiện khi chụp X quang ngực hay chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực.
Bệnh nhân mắc bệnh ung thư nằm ở đỉnh phổi (khối u Pancoast) có thể bị dị cảm và yếu ở cánh tay và bàn tay cũng như hội chứng Horner (sụp mi, tăng tiết mồ hôi và co đồng tử) do sự chèn ép của bướu liên quan đến các dây thần kinh giao cảm cổ. Khi di căn, bệnh nhân thường đau xương (di căn xương); vàng da và các triệu chứng ở bụng với gan to nhanh chóng (di căn gan), hay nổi các hạch bạch huyết.
Chụp CT ngực để đánh giá giai đoạn ung thư phổi có ưu thế vượt trội so với X quang ngực, với độ chính xác đến 70%. Các hạch bạch huyết trung thất khi bình thường đường kính nhỏ hơn 1cm, và bất thường khi lớn hơn 1,5cm. CT scan ngực cũng cung cấp thông tin về mức độ xâm lấn của khối u nguyên phát, sự hiện diện của tràn dịch màng phổi và tình trạng hạch.
Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET-CT) đã chứng minh sự vượt trội so với quét CT và bổ sung cho nội soi trung thất trong đánh giá các hạch trung thất, nhưng nó hữu ích nhất trong việc loại trừ di căn xa. PET cũng có thể hữu ích trong việc đánh giá đáp ứng sau khi điều trị trước phẫu thuật (hóa trị) hoặc theo dõi sau điều trị.
Di căn tuyến thượng thận rất phổ biến trong NSCLC. Đôi khi có thể phân biệt giữa bệnh di căn và u tuyến thượng thận dựa trên các đặc điểm mật độ trên CT hoặc MRI. Nếu chẩn đoán không rõ ràng và tuyến thượng thận là nơi duy nhất của di căn nghi ngờ, cần phải sinh thiết để làm rõ chẩn đoán.
Đánh giá giai đoạn
Gần đây, xét nghiệm tế bào học trong mẫu đàm đã được thay thế bằng nội soi phế quản bằng ống soi mềm. Nội soi phế quản (cuống phổi) bằng ống soi mềm nếu có bằng chứng về triệu chứng hoặc X quang cho thấy khối bướu có thể tiếp cận được. Hầu hết các bệnh ung thư có thể chẩn đoán được bằng soi trực tiếp.
Đôi khi các khối u chỉ thể hiện rõ ràng khi đè hẹp phế quản từ ngoài, có thể được chẩn đoán thông qua nội soi phế quản bằng sinh thiết xuyên thành phế quản. Nội soi phế quản là không cần thiết nếu chẩn đoán mô học hoặc tế bào học của ung thư phổi di căn đã được thực hiện. Siêu âm phế quản qua ngã nội soi (EBUS) và nội soi phế quản có hướng dẫn tọa độ GPS cải thiện đáng kể khả năng nội soi phế quản để lấy mẫu hạch bạch huyết trung thất và đánh giá các tổn thương xa hơn.
Sau khi chẩn đoán mô học ung thư phổi, việc đánh giá ung thư phổi nên tập trung vào việc xác định xem bệnh có bị giới hạn ở vùng ngực hay không, và có thể được điều trị với mục đích chữa khỏi (SCLC giai đoạn khu trú và NSCLC giai đoạn I đến III), hoặc liệu bệnh nhân có bị bệnh ở giai đoạn tiến xa hay không.
Nên chụp CT não hoặc MRI não như một phần đánh giá giai đoạn cho bệnh nhân mắc SCLC, liên quan đến tỷ lệ 10% di căn não không có triệu chứng thần kinh. Ngoài ra, sinh thiết kim qua da và xuyên thành ngực thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư phổi ở những trường hợp bướu nằm gần ngoài da. Xạ hình xương phần lớn đã được thay thế bằng PET-CT. Tuy nhiên, xạ hình xương cung cấp thông tin bổ sung liên quan đến bệnh xương cho PET-CT và ít tốn kém hơn.
Xét nghiệm đột biến gen và làm hóa mô miễn dịch trong bệnh nhân giai đoạn IV. Bệnh nhân NSCLC cần có khảo sát về các đột biến gen quan trọng vì có khoảng 60% các trường hợp NSCLC giai đoạn IV ở Việt Nam có đột biến gen EGFR. Những trường hợp này có chỉ định điều trị thuốc nhắm trúng đích ức chế EGFR. Ngoài ra bệnh nhân cũng cần khảo sát các đột biến gen khác như ROS1, MET để làm cơ sở điều trị thuốc nhắm trúng đích.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/suc-khoe/ung-thu-phoinguy-co-mac-benh-cao-69480.html