Ung thư phổi: Phải điều trị như thế nào?
Các bác sĩ chuyên khoa lưu ý, riêng ung thư phổi là 'một nhóm bệnh' chứ không phải một bệnh. Mỗi loại tế bào là một bệnh nên có cách điều trị và tiên lượng cũng khác nhau.
Phát hiện muộn, hiệu quả thấp
Ở VN tỉ lệ tử vong vì ung thư ở nam giới thuộc nhóm đầu thế giới với trên 142 ca tử vong/100.000 dân. Qua các năm, số lượng đều tăng, nhất là ung thư phổi, năm 2000 là 29,3 đến 2010 đã tăng lên 35,1/100.000 dân.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, hơn 80% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4).
Theo các bác sĩ chuyên khoa, hiện có nhiều kỹ thuật được sử dụng để phát hiện ung thư phổi và xác định loại ung thư, đề ra phương pháp điều trị thích hợp, trong đó chụp X-quang lồng ngực được thực hiện đầu tiên. Cách này sẽ giúp các bác sĩ phát hiện đám mờ, hình ảnh tràn dịch màng phổi, giúp xác định vị trí, hình thái, kích thước tổn thương, ngoài ra còn để đánh giá khả năng phẫu thuật.
Phương pháp chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể xác định chính xác hơn vị trí của khối u, kích thước và biết được khối u đã phát triển ra ngoài phổi hay chưa.
Nội soi phế quản giúp quan sát trực tiếp tổn thương, xác định vị trí, hình thái tổn thương. Qua nội soi tiến hành sinh thiết trực tiếp tổn thương hoặc xuyên thành phế quản để chấn đoán mô bệnh học.
Phương pháp này được sử dụng trên 80% bệnh nhân và 2/3 có kết quả sinh thiết dương tính. Xét nghiệm đờm tìm tế bào ung thư chỉ có 1/3 số ca có kết quả dương tính. Nếu khối u ở rìa phổi hay ở xa phế quản thì nội soi phế quản hay xét nghiệm đờm có thể không phát hiện được.
Một sốphương pháp phát hiện khối u di căn như siêu âm ổ bụng phát hiện các tổn thương di căn. Xạ hình xương bằng máy SPECT để phát hiện các tổn thương, đặc biệt là các di căn xương ở giai đoạn rất sớm. Phát hiện di căn não qua chụp cắt lớp vi tính sọ não và cộng hưởng từ sọ não.
Chụp PET/CT là cách sử dụng chất đường phóng xạ để đo lường sự hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Phương pháp này có giá trị phát hiện sớm tổn thương, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh, theo dõi, đánh giá đáp ứng với điều trị, phát hiện tái phát, di căn xa, tiên lượng bệnh.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sẽ cho bệnh nhân xét nghiệm tế bào ung thư trong đờm, dịch màng phổi, dịch rửa phế quản, tế bào hạch thượng đòn nếu có.
4 phương pháp điều trị
Sau khi xác định rõ thể trạng của bệnh nhân, loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh các bác sĩ sẽ tiên lượng và đưa ra phác đồ điều trị. Có 4 phương pháp điều trị cơ bản, trong đó có thể điều trị đơn thuần 1 phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp.
1. Phẫu thuật bỏ khối u:
Đây là phương pháp truyền thống, khá phổ biến và hiệu quả cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm, khi tế bào ung thư còn nhỏ, chưa xâm lấn và di căn. 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này. Bệnh nhân có thể trạng tốt, được phẫu thuật lấy toàn bộ khối u có thời gian sống thêm lâu dài.
Khi khối u có kích thước lớn hơn, người bệnh sẽ được chỉ định cắt một bên phổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, khi bệnh nhân không đáp ứng với phẫu thuật, các bác sỹ sẽ áp dụng các biện pháp chữa trị khác với mục đích kéo dài sự sống cho người bệnh.
2. Xạ trị:
Phương pháp này được áp dụng cho 35% bệnh nhân; được áp dụng ở những bệnh nhân không đủ điều kiện để áp dụng phẫu thuật hoặc sau khi phẫu thuật. Mục đích là phá hủy tế bào ung thư khi còn nhỏ và không có di căn hoặc kìm hãm sự phát triển của khối u.
Trong một số trường hơp nhất định, bệnh nhân có thể được các bác sỹ chỉ định sử dụng phương pháp này trước khi thực hiện phẫu thuật điều trị. Bên cạnh đó, xạ trị và hóa trị liệu cũng thường được kết hợp với nhau nhằm đẩy lùi căn bệnh ung thư quái ác nhanh hơn.
3. Hóa trị:
Điều trị khi bệnh muộn (giai đoạn IV, IIIB, IIIA); các trường hợp chống chỉ định hoặc bệnh nhân từ chối phẫu thuật, tia xạ.
Có thể điều trị hóa chất đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp khác.
Phương pháp này được áp dụng ở những bệnh nhân không đủ điều kiện để áp dụng phẫu thuật hoặc sau khi phẫu thuật. Hóa trị được thực hiện bằng cách người bệnh sẽ sử dụng các loại thuốc chống ung thư với mục đích kìm hãm sự tiến triển hoặc tiêu diệt tế bào ung thư.
Điểm yếu của hóa xạ trị là thời gian sống của bệnh nhân ngắn, chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề vì phải chịu nhiều tác dụng phụ, người bệnh mệt mỏi, mất niềm tin và không tích cực phối hợp điều trị.
Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây về hóa trị liệu đã làm giảm đáng kể những tác dụng phụ so với trước đây.
4. Thuốc uống:
Cho dù sử dụng phương pháp nào đi chăng nữa thì vẫn có những hạn chế, như hóa trị sẽ làm ảnh hưởng đến cơ thể, gây mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe của người điều trị; hoặc phương pháp xạ trị là dùng tia X có bước sóng ngắn để tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng lại không thể tiêu diệt hết tất cả các khối u, làm khối u vẫn có thể phát triển và di căn…
Ung thư phổi không tế bào nhỏ là căn bệnh nguy hiểm và việc điều trị bệnh thành công ở giai đoạn tiến xa rất thấp. Do đa số bệnh nhân phát hiện bệnh muộn nên tỷ lệ điều trị thành công hay kéo dài cuộc sống của người bệnh không cao.
Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, cách điều trị có 2 phương pháp là hóa - xạ trị đồng thời cho giai đoạn khu trú và hóa chất cho giai đoạn lan tỏa.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, ung thư phổi là bệnh lý ác tính, tiên lượng vẫn còn dè dặt. Do đó, khuyến cáo các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nên có chế độ tầm soát ung thư định kỳ; không hút thuốc lá; có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động hợp lý. Đặc biệt, khi có các triệu chứng ho kéo dài, đau ngực cần phải thăm khám sức khỏe.
Đ.Bảo (tổng hợp)